Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 9/6, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Chỉ cụ thể hóa những nội dung đã chín, đủ rõ
Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã đủ rõ.
Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Đối với những nội dung thực tiễn phát sinh nhưng chưa được tổng kết, do đó chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy có cơ sở hợp lý và nhận định cần thiết bổ sung quy định, đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.
Mặt khác, nếu những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, vì vậy, không được kết luận tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp của Quốc hội sáng 9/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đối với một số nội dung, chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW chưa được thể chế trong dự thảo Luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, triển khai theo Kế hoạch số 08-KH/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng, kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để quy định cụ thể tại Mục 2 Chương XVI dự thảo Luật.
Đối với các dự án Luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan và đề xuất chỉnh sửa tại Luật Đất đai (nếu có) theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh tại mỗi Luật, không nhắc lại tại Luật này nội dung quy định của Luật khác và ngược lại mà có quy định dẫn chiếu việc thực hiện theo quy định của Luật khác có liên quan; trình Quốc hội xem xét theo quy định.
Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện khi gắn với dự án cụ thể
Đối với một số nội dung lớn của dự thảo Luật, liên quan tới thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát quy định tại điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79, không quy định theo cách dẫn chiếu sang quy định tại các điều, khoản khác mà có quy định cụ thể, rõ ràng ngay tại Điều 79.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các quy định tại các điểm, khoản khác của Điều này, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng. Việc thu hồi đất trong các trường hợp này chỉ được thực hiện khi gắn với dự án cụ thể.
Đồng thời đề nghị rà soát Điều 80 về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong Luật mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.
Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, dự thảo Luật tiếp cận theo hướng quy định mở rộng thời hạn về thời điểm sử dụng đất để xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bên cạnh đó, dự thảo chưa thể hiện rõ việc cấp giấy gắn với điều kiện không vi phạm pháp luật đất đai. Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tránh tình trạng có thể bị lợi dụng để hợp thức hóa các sai phạm trong việc sử dụng đất; xem xét và làm rõ sự cần thiết đây chỉ là quy định giải quyết trường hợp cá biệt hay là quy định chung của Luật.
Đối với quy định về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định như dự thảo Luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Đất đai là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, khi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, dẫn đến giảm sự cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, không tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa để có quy định bảo đảm tính khả thi, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 9/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về bảng giá đất, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 1/1/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm.
Đồng thời, lưu ý quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo hướng nâng cao tính chuyên môn và bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất.
Quy định tách bạch về thẩm quyền quyết định; làm rõ căn cứ, tiêu chí và trách nhiệm của 2 Hội đồng này; quan hệ giữa thẩm quyền của 2 Hội đồng này với thẩm quyền quyết định giá đất của Ủy ban nhân dân và tổ chức tư vấn, định giá đất.
TRUNG HƯNG