Bộ Tài chính muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, doanh nghiệp xin hoãn 18 tháng

Vũ Xuân Kiên
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Doanh nghiệp trong ngành xin hoãn thời gian 12 đến 18 tháng.

Lần thứ hai đề nghị áp thuế với nước ngọt

Việc thay đổi thuế với bia, rượu, thuốc lá và nước ngọt nằm trong đề án xây dựng Luật Thuế thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Với đồ uống có đường (nước ngọt), Bộ Tài chính đề nghị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp". Bộ Tài chính lý giải, việc này đánh thuế này nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

vnp-nuoc-giai-khat-0120230303182012-1677920337.jpg
VBA cho rằng cần tính thuế cụ thể theo hàm lượng đường trong sản phẩm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.

Còn theo số liệu kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn.

Bộ Tài chính cũng cho biết, các nước đã dần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Nếu như năm 2012, chỉ khoảng 15 quốc gia áp thuế này, thì đến năm 2021 có ít nhất 50 nước thu thuế trên.

Xét trong khu vực ASEAN, có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư pháp đánh giá luận cứ áp thuế khi đó chưa thực sự thuyết phục.

Nên tính thuế cụ thể theo hàm lượng đường

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế là cần thiết nhưng chưa nên làm ngay và kiến nghị lùi thời gian thêm 12 đến 18 tháng.

Hiện theo số liệu thống kê, lượng đường trung bình trong sản phẩm nước ngọt khoảng 10-15 gram, còn trong kem hay kẹo cao gấp 3-5 lần, dao động 22-70 gram. Lượng tiêu thụ nước ngọt bình quân mỗi người dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước, như năm 2019 gần 51 lít, trong khi Trung Quốc là 61 lít, Nhật Bản là 116 lít.

Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đưa ra quan điểm, nước ngọt không phải nguyên nhân gây bệnh béo phì. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Ngoài ra, cách tính thuế và lộ trình tăng vẫn theo cách tính tương đối, tức là tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình. Điểm hạn chế của cách tính này là không theo chất lượng, độ đường sản phẩm.

Chính vì thế, VBA cho rằng, Bộ Tài chính nên tính thuế theo hàm lượng đường, điều này cũng góp phần xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân.

VBA dẫn chứng thêm, tại Anh, nước ngọt có tỷ lệ đường trong sản phẩm càng cao thì chịu thuế càng nhiều. Như đồ uống không đường, hoặc độ đường ít hơn 6% thì thuế suất là 0%. Đồ uống chứa đường 6% đến dưới 8% thì mức thuế tương đương 68 đồng một lít; thuế suất tương ứng 344 đồng một lít nếu chưa 10-14% đường.

Hiện có 50 quốc gia thu loại thuế này với nước ngọt. Tại khu vực Đông Nam Á có 6 nước, gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Một số quốc gia khác tại châu Á có mức tiêu thụ nước ngọt cao như Trung Quốc, Hàn Quốc Nhật Bản thì chưa áp loại thuế này.

VBA cũng cho rằng, việc lùi thời gian đánh thuế này với sản phẩm nước ngọt thêm 12-18 tháng nữa để cơ quan quản lý thêm thời gian phân tích, đánh giá toàn diện hơn và xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp, tránh tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, doanh nghiệp.

VBA cho biết thêm, việc áp thuế này sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường. Cộng các yếu tố lại sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm khả năng tiêu thụ, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Và đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân - những người cung cấp các nguyên liệu như: mía, trái cây, rau quả, trà...

Thậm chí, giá bán cao còn có khả năng dẫn đến hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển.

Chính vì thế, VBA cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt, cần phải xem xét thật thấu đáo, khách quan.

Bên cạnh đó, VBA cũng đưa ra kinh nghiệm một số nước yêu cầu dán logo về sức khỏe khuyến nghị trên các sản phẩm với thông tin về hàm lượng đường, muối... để người tiêu dùng dễ nhận biết.