Sau hơn sáu năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã phát huy những tác động tích cực trong việc ổn định cuộc sống của người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Một trong những kết quả dễ thấy nhất là lượng lao động tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội đã liên tục gia tăng. Năm 2016 - năm đầu tiên Luật có hiệu lực, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong cả nước mới đạt hơn 13 triệu người (trong đó có hơn 12,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), chiếm 23,8% lực lượng lao động. Ðến cuối năm 2021 đã có hơn 16,2 triệu người (chiếm khoảng 35,5% lực lượng lao động trong độ tuổi) tham gia, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 1,3 triệu người, chiếm 2,88% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,88 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra.
Mặc dù vậy, nếu so sánh với thực tế thì kết quả đạt được trong mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội vẫn còn khá hạn chế, bởi vẫn còn hơn 28,8 triệu lao động (khoảng 64,5% lực lượng lao động trong độ tuổi) chưa tham gia. Còn nếu so với mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, thì kết quả đạt được vẫn còn một khoảng cách khá lớn.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo các chuyên gia lao động, có một lý do rất quan trọng là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện hành vẫn chưa quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công. Một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2018, tổng số cá nhân người Việt Nam phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công là 20,1 triệu người. Trong khi đó, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng trong năm 2018, cả nước chỉ có 12 triệu người nộp bảo hiểm xã hội, chiếm 59,7%. Tương tự, năm 2019, cả nước có 20,6 triệu cá nhân người Việt Nam phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công, nhưng số nộp bảo hiểm xã hội chỉ có 12,76 triệu người, chiếm 61,9%; năm 2020, trong tổng số 21,4 triệu người phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công cũng chỉ có 13,4 triệu người nộp bảo hiểm xã hội, chiếm 62,6%.
Cùng với đó, Luật cũng "bỏ sót" một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Thực tế cho thấy, đây là các nhóm có số lượng khá lớn (lên tới hàng chục triệu lao động); nhiều người trong số đó có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bên cạnh việc chú trọng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, cần tính đến việc quy định chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Trước mắt, có thể bổ sung một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; đồng thời quy định cụ thể việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian (part-time) hay các hình thức lao động mới như lao động làm việc trực tuyến (online), lao động tại nhà…