Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán

Tran Huy
Thời gian qua, nắm được tâm lý người dân ngày càng quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán, các đối tượng tội phạm đã lập những ứng dụng (app) chứng khoán giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, chị NTP, 21 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội) có tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về chứng khoán và được hướng dẫn tải app “Gold Finger” để đầu tư. Sau đó, chị P chơi thử, nạp 27 triệu đồng thì rút được 33 triệu đồng trên app. Thấy lợi nhuận cao, chị P tiếp tục nạp thêm hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sau lần đó, chị P không rút được tiền. Liên hệ với bên quản lý app thì chị P được yêu cầu phải đóng thêm phí 10%. Lúc này, chị P mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo sự việc. 

Trường hợp khác là ông VVP, 41 tuổi, ở TP Hải Dương (Hải Dương) tình cờ đọc được quảng cáo đầu tư chứng khoán trên Facebook với cam kết “một vốn rất nhiều lời”. Tò mò, ông P nhắn tin liên hệ và được quản trị trang giới thiệu tỉ mỉ cách tham gia đầu tư. Nghe hấp dẫn, ông P quyết định thử vận may và đóng 300.000 đồng phí mở tài khoản. Sau đó, ông P được mời vào một nhóm Telegram với hàng nghìn thành viên chia sẻ lợi nhuận sau khi chơi chứng khoán. Bị thuyết phục, ông P chọn gói đầu tư 300 triệu đồng, lãi cam kết gấp 32 lần (tức là sẽ nhận về 9,6 tỷ đồng) và có bảo hiểm thua lỗ. Tuy nhiên, để rút được tiền gốc và lãi, ông P nhiều lần phải nộp thêm tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Tiền nộp vào mà mãi không được rút, lúc đó, ông P mới biết mình bị lừa...

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán
Công ty Cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cảnh báo tình trạng giả mạo app của HSC để lừa đảo.

Để dụ dỗ người đầu tư chứng khoán, các đối tượng lừa đảo thường gọi điện, sau đó đưa ra cam kết lợi nhuận “khủng”, thậm chí cho biết sẽ được mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Tinh vi hơn, bọn chúng còn lập các app chứng khoán giả mạo, sử dụng tên, chức danh của ban lãnh đạo, giả mạo chữ ký, con dấu và logo của các công ty chứng khoán uy tín để phát thông báo, văn bản, hợp đồng tới khách hàng.

Thời gian đầu, các app lừa đảo thường để người đầu tư có lãi, kích thích họ nạp thêm tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ tư vấn để “con mồi” nạp tiền nhiều hơn hoặc ép buộc chuyển thêm tiền với lý do, như: Nộp sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận, nộp thêm lệ phí, thuế. Khi thấy “con mồi’ không còn khả năng chuyển tiền hoặc bị phát hiện lừa đảo, các đối tượng sẽ khóa app, cắt liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Trước tình trạng trên, người dân cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên app không rõ nguồn gốc. Thực tế không có công ty chứng khoán chính thống, uy tín nào cam kết lãi cho nhà đầu tư. Vì vậy, nếu có đối tượng nhận cam kết đầu tư lãi, siêu lãi thì nhà đầu tư nên cẩn trọng. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, cần đến cơ quan công an trình báo để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

NGUYỄN TRƯỜNG