Truyền thông châu Âu đưa tin, những ngày qua, EU có màn trình diễn rực rỡ sắc màu nhằm kỷ niệm sự kiện trọng đại trong tiến trình phát triển của khối, đó là 20 năm ngày EU thực hiện đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử. Các tòa nhà của EU ở Brussels (Bỉ), Strasbourg (Pháp) và Luxembourg đều được thắp sáng bằng đèn mầu vàng và xanh dương-những mầu sắc trên lá cờ EU, đồng thời treo khẩu hiệu “20 năm bên nhau” để nhấn mạnh thông điệp đoàn kết.
Cách đây 20 năm, sự gia nhập EU của 10 quốc gia gồm CH Síp, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia vào ngày 1/5/2004 được truyền thông ví như một “vụ nổ Big Bang”, đưa EU từ một khối gồm 15 thành viên vào thời điểm đó lên thành 25 thành viên. Hiện nay, với 27 thành viên, EU trở thành một trong những thị trường chung lớn nhất thế giới. Theo trang Euronews, các quốc gia gia nhập EU trong đợt kết nạp năm 2004 cho đến nay đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Thí dụ, nền kinh tế Ba Lan và Malta tăng hơn gấp đôi quy mô, trong khi Slovakia tăng trưởng 80%.
Từ khi diễn ra đợt mở rộng khối vào năm 2004 tới nay, 26 triệu việc làm mới được tạo ra trên khắp EU, trong đó có 6 triệu việc làm ở 10 quốc gia thành viên mới. Trong 20 năm qua, hơn 2,7 triệu người từ 10 quốc gia này đã đón nhận cơ hội học tập và giảng dạy ở nước ngoài thông qua chương trình Erasmus+. Việc bổ sung các thành viên mới giúp tăng cường sức mạnh kinh tế của EU trên toàn cầu. Một liên minh lớn hơn cũng nâng cao vai trò của châu Âu với tư cách là nhà tài trợ nhân đạo lớn. Bên cạnh đó, 9 trong tổng số 10 quốc gia gia nhập EU vào năm 2004 đã hoàn toàn thuộc Schengen, khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis chia sẻ với tờ Politico rằng, nhìn lại 20 năm kể từ khi các quốc gia Trung và Đông Âu gia nhập mái nhà chung EU, có thể thấy rõ việc mở rộng là một bước đi đúng đắn của EU cả về mặt địa chính trị và kinh tế. Sự kiện này giúp EU trở thành một đối tác lớn mạnh hơn trên trường quốc tế.
Tuy vậy, 20 năm kể từ đợt mở rộng này, EU đang đối mặt nhiều khó khăn. Có một thực tế là với càng nhiều thành viên, việc tìm kiếm tiếng nói, hành động chung của khối càng không dễ dàng do sự đa dạng về quan điểm, lợi ích của các thành viên. Sự phát triển kinh tế không đồng đều của các thành viên cũng dẫn đến những bất đồng trong đóng góp tài chính cho ngân sách chung của EU. Một thí dụ cụ thể là vấn đề ngân sách từng thổi bùng lên những tranh cãi gay gắt tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 12/2023, khi Hungary phủ quyết khoản hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.
Điều này khiến EU không thể đạt được đồng thuận về kế hoạch ngân sách của khối và buộc phải nhóm họp lại vào đầu năm 2024 để giải quyết bế tắc. Chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia EU cũng đe dọa các giá trị cốt lõi của khối. Những thách thức về biến đổi khí hậu, di cư, an ninh... gây nhiều tranh cãi và có thể làm suy yếu tinh thần đoàn kết nội khối.
Nhấn mạnh lợi ích to lớn mà EU nhận được từ sự kiện mở rộng khối hồi năm 2004, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định quyết tâm của EU trong việc tiếp tục mở rộng và cải cách. Bà nhấn mạnh, Tây Balkan đang “tiến đến gần hơn bao giờ hết với chúng ta” và EU đã đưa ra quyết định lịch sử là chính thức tiến hành đàm phán về việc kết nạp Ukraine, Moldova. Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các nỗ lực mở rộng khối của EU chắc chắn vấp phải không ít rào cản.