Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2025

Nguyễn Ánh Hiền
Nhiều chính sách, quy định trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2025, với các nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, kiểm định chất lượng giáo dục, quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài,…
(Ảnh: minh họa)
(Ảnh: minh họa)

Sửa đổi liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông

Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5/1.

Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông…

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2025 ảnh 1

(Ảnh minh hoạ: LÊ HÀ)

Để khắc phục tình trạng chuyên gia vừa tham gia viết sách giáo khoa, vừa trong hội đồng thẩm định, gây thiếu công bằng trong kiểm duyệt, Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định: “Người tham gia xây dựng dự thảo chương trình, dự thảo chương trình chỉnh sửa nào thì không được tham gia thẩm định chương trình đó”.

Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/1, thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016.

Thông tư này quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ (thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo) bao gồm: các quy định chung, công tác xác định, tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, nghiệm thu, thanh lý và công tác lưu giữ, chuyển giao, sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ.

Đề tài cấp bộ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp.

Mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện; Thời gian thực hiện đề tài cấp bộ không quá 24 tháng; Trường hợp đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng.

Các đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ đã được phê duyệt thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2016 tiếp tục thực hiện theo quy định đến khi kết thúc. Các đề tài được phê duyệt để thực hiện từ năm 2026 thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Quy định chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Thông tư 19/2024/ TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/1 quy định danh mục và thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương. Thông tư này không áp dụng đối với giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư quy định danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo phải định kỳ chuyển đổi; quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ đủ 3-5 năm.

Sửa đổi Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài

Thông tư 20/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/1.

Liên quan đến quy trình xử lý hồ sơ đi học nước ngoài, đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo kết quả tiếp nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài, thông tin về quy định, chế độ học bổng đến ứng viên, cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên và ra quyết định cử đi học khi có văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ứng viên đi học nước ngoài.

Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng do phía nước ngoài đài thọ, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả trúng tuyển đến ứng viên và cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên để giải quyết thủ tục đi học nước ngoài.

Đối với ứng viên chưa có cơ quan công tác, Cục Hợp tác quốc tế ra quyết định cử đi học nước ngoài.

Ban hành Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ

Thông tư 18/2024/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/1.

Thông tư dùng cho các cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập.

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2025 ảnh 2

Chương trình Giáo dục cụ thể theo các lĩnh vực như sau: Chương trình Giáo dục pháp luật; Chương trình Giáo dục văn hóa-xã hội; Chương trình Giáo dục bảo vệ môi trường; Chương trình Giáo dục bảo vệ sức khỏe; Chương trình Giáo dục phát triển kinh tế; Chương trình Giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý; Chương trình Giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp; Chương trình Giáo dục chuyển đổi số trong cộng đồng.

Quy định sửa đổi về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia

Thông tư 22/2024/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường mầm non, trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, hiệu lực thi hành từ 25/1.

Thông tư đã sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp.

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2025 ảnh 3

Về tiêu chuẩn đánh giá, quy định nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định hiện nay là 2 năm) kể từ ngày được công nhận được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn. Điểm mới này nhằm tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng.

Điểm mới đáng chú ý ở Thông tư số 22 là sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đánh giá cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học (Tiêu chuẩn 3) để thống nhất với quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thư viện của cơ sở giáo dục.

Thông tư số 22 đã đưa vào quy định nhà trường được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia khi đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư.

Quy định sửa đổi về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học

Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, hiệu lực thi hành từ ngày 31/1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung và điều chỉnh các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.

Theo đó, điều chỉnh tăng quy mô tối đa trường mầm non, là 30 nhóm/lớp, tăng 10 nhóm/lớp so với quy định hiện nay; ở bậc tiểu học, mỗi trường có quy mô tối đa 40 lớp, tăng thêm 10 lớp; bậc THPT, số lớp tối đa là 50, tăng thêm 5 lớp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, là 6-8m2 (tùy từng cấp học), thay cho quy định 8-10m2.

Quy định mới cũng cho phép trường học ghép các phòng bộ môn thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu một phòng như hiện nay.