Các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Các chính sách về tín dụng, thuế, nâng cao khả năng tiếp cận vốn… là các động thái chính sách rất tốt, kịp thời nhằm tháo gỡ những “ách tắc” của nền kinh tế nói chung cũng như khu vực sản xuất và doanh nghiệp nói riêng trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, để có cái nhìn rõ hơn về các chính sách này.
- Ông có bình luận thế nào về các chính sách tháo gỡ khó khăn về tín dụng, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp hiện nay?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt: Nhiều tổ chức quốc tế nhận định rằng, năm 2023 là năm suy giảm kinh tế do đối mặt những “cơn gió ngược.” Nguy cơ này còn kéo dài tới năm 2024, nền kinh tế toàn cầu chưa thể khôi phục lại mức tăng trưởng tiềm năng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường chính.
Trong Báo cáo do VEPR công bố ngay trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá 15 cho thấy, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sức phục hồi nền kinh tế Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng do nền lãi suất cho vay neo rất cao, bào mòn mọi nỗ lực phục hồi. Đồng thời những bất cập trong công tác điều hành, quản lý và thực thi chính sách/pháp luật dẫn đến niềm tin vào môi trường kinh doanh giảm sút.
Vì vậy, những động thái quyết liệt, vào cuộc của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, cũng như những giải pháp, chính sách gần đây của các bộ ngành, nhất là của Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, cũng như những khó khăn cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh là các động thái chính sách rất tốt, kịp thời trong lúc này.
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng mất việc làm gia tăng, doanh nghiệp giải thể nhiều thời gian qua?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt: Có thể thấy những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua đã từng bước củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn đọng, nợ xấu nguy cơ tăng, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực phải ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dệt may, xây dựng, bất động sản, bán lẻ hàng hóa.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội được Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chính phủ cũng nhận định tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, có việc một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh.
- Những chính sách như giảm thuế VAT, giảm hoãn nợ sẽ phát huy hiệu quả như thế nào? Liệu đã là đủ hay cần mở ra những chính sách khác?
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt: Đầu tiên về giảm thuế VAT, VEPR là đơn vị đầu tiên có khuyến nghị cần kéo dài chính sách tài khoá rất có hiệu quả này. Ngay từ cuối năm 2022, chúng tôi đã đề xuất vấn đề này trong các báo cáo tham vấn chính sách của mình.
(Ảnh minh họa: Vietnam+)
Có thể thấy rất rõ đây là chính sách "khoan thư sức dân" khi tất cả các mặt hàng thiết yếu, cũng như dịch vụ hàng ngày trực tiếp sát sườn với túi tiền của người dân đều có mức độ giảm trừ.
Điều này sẽ là nguồn động viên, khích lệ, cho thấy sự đồng hành của Chính phủ trước những khó khăn về thu nhập của người dân bị giảm sút trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh mà tất cả các dịch vụ, cũng như hàng hóa đa phần giá cả vẫn neo cao.
Vì vậy, việc giảm thuế sẽ góp phần “đỡ” cho người lao động từ nay tới cuối năm, từ đó kích thích người dân tiếp tục mua sắm, sử dụng hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu.
Việc giảm thuế VAT sẽ tạo ra dư địa trong kiểm soát lạm phát tốt hơn từ nay tới cuối năm. Việc ổn định được kinh tế vĩ mô nói chung và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ nói riêng cũng là một động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Những chính sách giãn, hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn cả về mục tiêu ngắn hạn nhằm tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục, đồng thời hướng tới tiếp cận được các nguồn vốn trung và dài hạn.
Nếu để “cục máu đông” nợ xấu tồn đọng và lan toả từ lĩnh vực bất động sản, trái phiếu sang tài chính, tín dụng, thì hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã và sẽ tiếp tục lan rộng tới mọi doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác. Điều này khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.
Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Trong bối cảnh niềm tin bị ảnh hưởng, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo như đề cập trong báo cáo Chính phủ trước Quốc hội.
Chính vì vậy, các chính sách giãn/hoãn nợ kể trên của Ngân hàng Nhà nước, đồng bộ với các giải pháp tháo gỡ thị trường vốn của Bộ Tài chính, tôi cho là kịp thời.
Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn và có tác dụng giải tỏa ách tắc của nền kinh tế, đòi hỏi cần thực thi nhiều giải pháp đồng bộ về tài khóa tiền tệ, cũng như nâng cao tính minh bạch thị trường, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cùng như từng ngành, doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông./.
Quốc Huy (TTXVN/Vietnam)