Sau khi bị Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 thuộc Khu quản lý đường bộ III (đóng chân tại thành phố Đà Nẵng) kiến nghị ngừng tạm dừng thu phí đối với Trạm BOT trên Quốc lộ 19 (đoạn qua tỉnh Bình Định), Công ty TNHH BOT 36.71 đã có văn bản giải trình gửi các cơ quan liên quan.
Trạm BOT của Công ty TNHH BOT 36.71 trên Quốc lộ 19 qua Bình Định. |
Ngày 21/10, Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường tuyến Quốc lộ 19 qua tỉnh Bình Định do Công ty TNHH BOT 36.71 khai thác và quản lý. Qua kiểm tra phát hiện chất lượng mặt đường Quốc lộ 19 do Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý xuống cấp nghiêm trọng, tạo các hố sâu “ổ gà”, “ổ voi”, rãnh dọc… tại nhiều vị trí.
Theo lãnh đạo Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 thuộc Khu quản lý đường bộ III, đơn vị đã nhiều lần kiểm tra mặt đường do Công ty TNHH BOT 36.71 khai thác và quản lý. Tuy nhiên, đoạn đường này vẫn hư hỏng, chậm sửa chữa, gây mất an toàn giao thông. Do đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã thống nhất kiến nghị Khu quản lý đường bộ III (thành phố Đà Nẵng) báo cáo với Cục Đường bộ Việt Nam xem xét tạm dừng thu phí đối với Trạm BOT do Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý.
Mặt đường Quốc lộ 19 do Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý bị hư hỏng, xuống cấp, gây bất bình cho người dân địa phương và chủ phương tiện qua lại đoạn đường này. |
Trước kiến nghị nói trên, lãnh đạo Công ty TNHH BOT 36.71 lý giải rằng mặt đường tuyến Quốc lộ 19 xuống cấp là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cả chất lượng vật liệu xây dựng kém. Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 xác nhận vừa ký văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các đơn vị liên quan về báo cáo thực hiện nội dung kiến nghị của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định về dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, Công ty TNHH BOT 36.71 cho rằng, dự án nằm “…khu vực thường xuyên chịu các tác động lớn của thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ kéo dài, chênh lệch nghiệt độ ngày đêm lớn, chất lượng vật liệu kém dự án bắt buộc phải sử dụng không có phương án nào khác” nên dẫn đến hiện tượng mặt đường xấu, hư hỏng nhiều vị trí.
Bên cạnh đó, khi lập dự án, trạm thu phí hoàn vốn cho dự án được thống nhất đặt tại vị trí Km30+600. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, địa phương không đồng ý, trạm phải chuyển về tại Km49+550 là điểm cuối cùng của dự án dẫn đến sụt giảm lưu lượng, doanh thu không đạt như phương án thi công trong hợp đồng BOT.
Ngoài ra, chủ đầu tư giải thích, đến nay, dự án đã gần 3 chu kỳ tăng giá theo điều khoản đã ký trong hợp đồng BOT, nhưng đến nay vẫn chưa được tăng giá vé; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chủ đầu tư đã giảm giá vé, miễn phí cho các phương tiện xung quanh trạm thu phí … nên sụt giảm doanh thu, từ đó ảnh hưởng đến việc cải tạo, duy tu, sửa chữa khi đường xuống cấp.
CÁT HÙNG