Chuyên gia: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tính chuyện đường dài

Vũ Xuân Kiên
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lượng để vừa thúc đẩy xuất khẩu gạo, giữ vững thị trường nhất là với các bạn hàng truyền thống, đồng thời đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước.

Giá gạo trên thế giới đang biến động mạnh, đặc biệt việc một số quốc gia ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng có thể là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt, cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lượng để vừa thúc đẩy xuất khẩu gạo, giữ vững thị trường nhất là các bạn hàng truyền thống, đồng thời đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước.

img-4931-1691205191.jpg
 

- Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo, còn 7 tháng đầu năm đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn với giá trị 2,68 tỷ USD. Vậy ông đánh giá thế nào trước việc một số quốc gia đang cấm xuất khẩu gạo?

Phát triển thương hiệu gạo ở 3 cấp

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Có thể thấy, việc một số thị trường ngừng xuất khẩu gạo có một số nguyên nhân, đầu tiên là do biến đổi khí hậu, thời tiết, tình trạng El Nino kéo dài. Nguồn cung gạo bị giảm, cụ thể như Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đình lại, riêng tại Ấn Độ đã xuất khẩu 22 triệu tấn và hiện đang thiếu hụt khoảng 25%, do đó, buộc các nước phải dự trữ.

Theo tôi, giá gạo đang tăng cũng giúp Việt Nam có thêm cơ hội. Theo đó, nếu chúng ta tiếp tục giữ được thị trường và làm ăn tốt thì chúng ta giữ được uy tín với khách hàng truyền thống, tạo đà cho xuất khẩu gạo trong những năm tiếp theo.

Có thể khẳng định, đây là cuộc trải nghiệm thực sự của doanh nghiệp, người nông dân khi thị trường biến động nhanh và gấp, việc này đòi hỏi công tác dự báo, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, rút ra những bài học cho chính ngành gạo, các tổ chức kinh tế của nông dân và các thành phần khác.

Cơ hội tiếp theo đó là thúc đẩy sản xuất và sẽ tạo ra liên kết ngang, đó là vùng nguyên liệu của nông dân với nông dân để trở thành hợp tác xã và đòi hỏi hợp tác xã phải tự nâng cao nội lực của mình.

Bên cạnh đó, tạo lên liên kết dọc từ người nông dân, khâu trung gian, chủ vựa, cơ sở xay sát, cơ sở xuất khẩu. Đây là bài học quý để chúng ta nhìn lại mình, từ đó sắp xếp lại và tăng cường các mối quan hệ này. Tiếp đến theo tôi việc này cũng tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển thương hiệu gạo ở cả 3 cấp: tập thể, doanh nghiệp, quốc gia.

img-4918-1691205191.jpg
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm gạo của Việt Nam với bạn hàng quốc tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy theo ông, trước những diễn biến trên thị trường hiện nay, cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này?

Xử lý nghiêm doanh nghiệp bỏ cọc

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Vấn đề đặt ra hiện nay đó là khi xuất khẩu được giá, thì cũng xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất là doanh nghiệp bị thua lỗ, bởi lẽ, nếu họ ký xuất khẩu sang châu Phi, Indonesia với giá dưới 500 USD/tấn thì bây giờ họ không có gạo, hoặc bây giờ họ phải mua gạo để xuất khẩu với giá cao hơn con số này.

Thứ hai, đó là các doanh nghiệp ký được hợp đồng mới và có sẵn gạo trong kho thì sẽ thắng lớn. Mặt khác, khi giá gạo tăng, dẫn đến sự tranh chấp về mặt thu mua, chạy theo lợi ích của xuất khẩu, sẽ cuốn người tiêu dùng vào cơn giá này. Đây cũng là những việc đáng lo ngại.

Dưới góc nhìn của tôi, hiện Thái Lan còn khoảng 4-5 triệu tấn gạo chưa tung ra. Việt Nam còn khoảng 2-2,5 triệu tấn gạo. Đây cũng là đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần xác định được thời điểm nào để có thể tung ra. Công tác dự báo thị trường cần phải tính toán kỹ.

Cũng có những bài học từ các năm trước, đó là khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ trước nhưng không mua được gạo. Doanh nghiệp thấy hợp đồng mới với giá gạo cao hơn và bỏ đặt cọc, bẻ kèo, bội tín. Nắm cơ hội thị trường là cần thiết, nhưng doanh nghiệp cần đồng thời phải bảo đảm cho cơ hội của các đơn hàng cuối năm 2023, đầu năm 2024 và cả các năm tiếp theo.

Rõ ràng, cơ hội là có nhưng thách thức cũng là rất lớn. Xuất khẩu gạo là câu chuyện đường dài. Cần giữ tín nhiệm, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống lớn như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia… Tất cả các doanh nghiệp bỏ cọc cần phải xử lý nghiêm, nếu không chúng ta sẽ mất thị trường của toàn ngành gạo chứ không chỉ của riêng một doanh nghiệp nào.

- Trong bối cảnh này, theo ông, giải pháp nào để chúng ta vừa giữ được chữ tín, vừa nắm được cơ hội thị trường?

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Theo tôi, vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Cần thúc đẩy ngân hàng cho vay vốn trung hạn và dài hạn, để cho các doanh nghiệp thu mua lúa và thanh toán sòng phẳng với người dân. Trên cơ sở đó, đảm bảo được nguồn đầu vào.

Thời điểm tháng 8, tháng 9, tháng 10 tới đây vẫn đang trong mùa mưa bão, tác động của thời tiết. Do đó, khâu thu mua, vận chuyển, kho tàng đóng vai trò quyết định trong việc xuất khẩu gạo.

Do giá gạo tăng lên, các doanh nghiệp rất dễ mua phối trộn các giống thóc khác nhau, không đúng theo tiêu chuẩn của người mua. Một lần nữa tôi nhấn mạnh, việc này sẽ làm mất thị trường. Các doanh nghiệp cần tích chuyện đường dài, tránh vì lợi ích trước mắt mà làm bừa.

- Xin cảm ơn ông./.