Cơ chế, chính sách đối phó với đại dịch COVID-19 trong ngành hàng không giai đoạn từ cuối năm 2019 đến nay (Phần 2)

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Chuyên đề "Cơ chế, chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 trong ngành hàng không giai đoạn từ cuối năm 2019 đến nay" của hai tác giả: TS. Trần Quang Châu và TS. Phùng Thế Tám nghiên cứu phân tích, đánh giá tính kịp thời, khả thi và hiệu quả của những giải pháp về chủ trương, chính sách của ngành hàng không đã đưa ra vừa qua để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Những giải pháp về chính sách hỗ trợ vận tải hàng không Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay

Một số chính sách hỗ trợ hàng không của các nước vừa qua

Do vai trò quan trọng của ngành hàng không, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai những biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không tạm thời vượt qua khủng hoảng. Chính phủ các nước đã có nhiều giải pháp dùng các gói hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Các hình thức cứu trợ ngành hàng không phổ biến qua các hình thức: Hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về chính sách và hỗ trợ nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp.

4706-bvsc-1679470487.png
Ảnh minh họa

Thứ nhất, hỗ trợ tài chính trực tiếp là hình thức phổ biến của chính phủ các nước, hỗ trợ thông qua các khoản vay, bơm tiền mua trái phiếu chuyển đổi, trợ cấp lương, đến hết năm 2021, tổng các gói hỗ trợ lên trên 200 tỷ USD. Đơn cử một số quốc gia như sau: sau khoản 54 tỷ USD, tháng 3 năm 2021, chính phủ Mỹ quyết định bổ xung gói hỗ trợ các hãng hàng không lần thứ 3 là 14 tỷ USD; tháng 4/2021, chính phủ Canada chi gói hỗ trợ 5,9 tỷ USD cho Air Canada; Indonesia năm 2020, hỗ trợ Garuda Airlines 1 tỷ USD; Bộ tài chính Thái Lan khoảng 450 triệu USD…Các khoản hỗ trợ tài chính, trực tiếp bơm tiền nhằm bù đắp các chi phí cho doanh nghiệp hàng không, như trả gốc và lãi vay, trợ cấp lương cho nhân viên, thực hiện mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu để tăng vốn hoạt động cho các doanh nghiệp. Đây là biện pháp nhanh chóng nhất, trực tiếp nhất và có hiệu quả gần như ngay lập tức, để hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nguồn thu của các doanh nghiệp hàng không bị sụt giảm nghiêm trọng.

Thứ hai, hỗ trợ về chính sách miễn, giảm thuế, phí, thực hiện các biện pháp nới lỏng về chính sách nhằm hỗ trợ các hãng hàng không duy trì hoạt động. Năm 2021, Nhật Bản dự kiến cắt giảm tối đa 80% thuế nhiên liệu hàng không. Chính phủ Thái Lan gia hạn cắt giảm 95% thuế nhiên liệu bay đến 31/12/2022. Cảng hàng không Thái Lan (Airports of Thailand) gia hạn nộp thuế thêm 6 tháng đối với các khoản thuế, phí, tiền thuê… cho các hãng hàng không bị ảnh hưởng tại 6 sân bay Thái Lan (4)..

Thứ ba, hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp, nhóm những giải pháp nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực tài chính của doanh nghiệp không. Tái cơ cấu theo Quy định UK Part 26. Ngày 04/9/2020, Hãng Virgin Atlantic Airlines (VAA) được Tòa án Anh chấp thuận tái cơ cấu theo quy định Part 26A, bên thuê/chủ nợ có thể chuyển nợ thành các khoản vay; giảm giá thuê 20% và giãn hoãn thanh toán tiền thuê từ 18-20 tháng; chấm dứt hợp đồng thuê và nhận lại tàu bay; giảm 20% hoặc hoãn thanh toán nợ của các nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ,… Ngày 22/02/2021, hãng Malaysia Airlines (MH) được Tòa án Anh chấp thuận tái cơ cấu theo quy định Part 26 liên quan đến 52 Hợp đồng (HĐ) thuê tàu bay. Theo Part 26, bên thuê tàu bay có thể lựa chọn: Chấm dứt hợp đồng, bên thuê nhận lại tàu bay và nhận tiền thanh toán chấm dứt một lần; hoặc giá thuê được điều chỉnh và tính theo giờ bay (PBH) trong năm 2021, từ năm 2022, giá thuê được điều chỉnh lại phù hợp theo giá thị trường. Một số chính phủ các nước thực hiện phương án bảo hộ phá sản giúp các công ty tránh giải thể, bán thanh lý hoặc tuyên bố phá sản để tái cơ cấu hoặc thực hiện sáp nhập công ty.

Nhìn chung, trong giai đoạn khó khăn do đại dịch các cơ quan quản lý Nhà nước về Hàng không dân dụng của các nước trên thế giới đã thể hiện cả hai vai trò của nhà nước bao gồm: hỗ trợ trực tiếp nguồn tài chính; hỗ trợ chính sách và hỗ trợ tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Các nước đã ứng phó rất nhanh và hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp Hàng không vượt qua khó khăn, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, vực dậy về nhiều mặt để ổn định và phát triển. (Nguồn: Từ ICAO, IATA, tạp chí Hàng không quốc tế)

tien-si-tran-quang-chau-vien-truong-vien-khoa-hoc-hang-khong-1679470474.jpg
Tiến sĩ Trần Quang Châu, Viện trưởng Viện khoa học Hàng không.

Phân tích đánh giá những chính sách hỗ trợ của Nhà nước ta đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong thời gian từ năm 2019 đến nay

Ưu điểm:

Sự hỗ trợ của Nhà nước ta dành cho ngành hàng không Việt Nam cũng đã được quan tâm khá sớm, thiết thực, hướng tới đúng những khó khăn, vướng mắc chủ yếu của ngành HKVN. Có thể kể đến những ưu điểm sau đây:

(1). Hỗ trợ về tài chính: Theo đề nghị của các doanh nghiệp Hàng không, Nhà nước đã giao cho các cơ quan chức năng bắt tay xem xét việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hàng không thông qua cho vay theo lãi suất ưu đãi, gia hạn thời gian vay và một số cách khác..

Miễn, giảm, gia hạn nộp phí dịch vụ: Tháng 02/2020 dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Việt Nam thì từ tháng 3/2020 các hãng hàng không Việt Nam đã được miễn, giảm giá từ 10-50% các dịch vụ thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Cảng hàng không, sân bay Việt Nam (ACV); dịch vụ thuê văn phòng đại diện của các hãng bay được giảm từ 30- 100%; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay quốc nội; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá…

(2). Chính sách hỗ trợ người lao động: Tiếp đó, Nhà nước hỗ trợ người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tháng 5/2020, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, chính sách này được áp dụng đến hết năm 2021. Như vậy, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta đã có một số chính sách giúp tháo gỡ những vấn đề rất quan trọng liên quan tới hoạt động của ngành Hàng không Việt Nam.

(3). Giải pháp về Chính sách như giảm phí, lệ phí, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 đã được triển khai. Bộ giao thông vận tải đã ra Thông tư 03/2020/TT- BGTVT về Quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 01 tháng 3 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2020. Quy định nêu chuyến bay quốc nội, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định. Kể từ ngày 01/10/2020 trở đi, các mức phí, khung giá hết thời hạn ưu đãi theo Thông tư 19/2020/TT- BGTVT và áp dụng theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT- BGTVT. Nhưng sau đó Đại dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 và đợt 4, những khó khăn tương tự như khi dịch bệnh bùng phát đợt 1 và đợt 2 lại tái xuất hiện. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không đang được xem xét kéo dài thời gian cho đến hết năm 2022, hoặc khi khống chế được dich bệnh.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không cũng có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành. Ví dụ, với chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi và đến với các hãng hàng không, riêng Vietnam Airlines (VNA) đã giảm được 155 tỷ đồng. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không cũng đã giúp VNA giảm chi phí 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, chi phí được giảm bớt theo quy định hiện hành là khoảng 430 tỷ đồng). Với Bamboo Airways, tổng số tiền mà Hãng được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng (chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của Hãng trong năm 2020). Chính sách tái cơ cấu nợ cũng liên quan tới trị giá tín dụng ở quy mô hạn chế và mức giảm lãi suất khá thấp (với Bamboo Airways, mức giảm lãi suất là 0,5 - 1%) và thời gian áp dụng khá ngắn (Bamboo Airways được áp dụng dưới 6 tháng).

Tuy nhiên, do tác động hai chiều của một số chính sách, một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không, dịch vụ kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng giảm sút về doanh thu, phát sinh chi phí, chậm thanh toán. Chẳng hạn, do Nhà nước quyết định giảm phí điều hành bay, năm 2020, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã giảm doanh thu tới 159 tỷ đồng cho các khoản thu từ giá điều hành đối với các chuyến bay quốc nội.

(4). Các chính sách chung khác: Hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách hỗ trợ người lao động chịu tác động bất lợi từ dịch bệnh có tác động tốt, đã giúp không chỉ người lao động, mà cả doanh nghiệp trong việc giải quyết những khó khăn, vượt qua những thách thức trong quá trình dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành hàng không còn tương đối thấp (Một phần là do các doanh nghiệp cố gắng tự giải quyết để giảm gánh nặng cho Nhà nước, một phần do mức hỗ trợ của Nhà nước hạn chế vì phải phân chia cho nhiều doanh nghiệp có các dạng chính sách khác nhau, một phần đáng ngại nhất là do các thủ tục còn quá rắc rối, phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức làm cho mọi người đều ngần ngại…).

(5). Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, thúc đẩy các dự án đầu tư vào các cảng hàng không, cho phép cơ chế đầu tư đặc thù, tranh thủ thời cơ vàng sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường lăn, sân đỗ ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Triển khai các dự án đầu tư dài hạn như Cảng hàng không sân bay Long Thành, đồng thời nâng cấp và mở rộng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Hàng không nhằm đáp ứng điều kiện khai thác khi thị trường hàng không phục hồi, giảm tắc nghẽn do cơ sở hạ tầng và mạng kết nói giao thông chưa đồng bộ.

(6). Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành hàng không phải đồng thời vừa triển khai các biện pháp ngắn hạn để khắc phục tác hại của dịch bệnh, vừa phải thực hiện những giải pháp có tính dài hạn để ngành có thể phát triển một cách bền vững. Để làm việc này, ngành hàng không phải tự mình nỗ lực, nhưng rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các địa phương.

Hàng không là một ngành dịch vụ có tác động to lớn và nhiều mặt tới sự phát triển kinh tế - xã hội, tới vị thế và năng lực của quốc gia trên trường quốc tế. Hỗ trợ để ngành hàng không vượt qua khủng hoảng, phát triển một cách toàn diện và bền vững để ngành này đảm nhận tốt vai trò của mình là việc mà mọi quốc gia đều quan tâm. Nếu ngành HKVN lâm vào suy thoái, khó khăn thì ảnh hưởng trực tiếp ngay đến các ngành khác, nhất là ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, ngành xuất nhập khẩu, Văn hóa, Thể thao, Công, Nông, Lâm nghiệp…cũng ảnh hưởng theo. Mặt khác do đặc thù hoạt động ở tốc độ cao của mình nên vận tải Hàng không cũng là ngành có tiềm năng và sức hồi phục nhanh hơn một số ngành khác.

tien-si-phung-the-tam-va-anh-em-dong-nghiep-1679470474.jpg
Tiến sĩ Phùng Thế Tám (áo đỏ) và anh em đồng nghiệp.

Mặt hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19 phía các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành HKVN cũng bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Những hạn chế này do chủ quan và khách quan mang lại:

(1). Trước hết phải nói đến khả năng thích ứng linh hoạt của cả các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành HKVN còn chưa theo kịp tình hình tiến công lan tràn, nhanh chóng, sâu rộng của dịch bệnh. Các quy trình giải quyết từ việc đề xuất sang việc xử lý và hình thành các quyết định, thực thi các quyết định… còn rườm rà, chậm chạp, kéo dài; Tính thống nhất, đồng bộ, kỷ luật chưa cao; Đó đây còn thể hiện sự phân vùng, cát cứ, thậm chí tùy tiện; Nhất là hiện tượng cát cứ địa phương đã gây nên tổn hại cho toàn hệ thống quản lý điều hành thông suốt từ trên xuống dưới của Nhà nước.

Nhà nước đã có hỗ trợ cho người lao động. Tuy nhiên, mức độ khai thác sự hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động trong ngành hàng không còn ở mức thấp. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không chỉ có 20 lao động (trong tổng số 689 lao động bình quân trong năm, tương đương với 2,9% tổng số lao động) thuộc diện được hỗ trợ và mức hỗ trợ cũng tương đối hạn chế (tổng mức hỗ trợ chỉ là 54.900.000 đ cho 3 tháng 4, 5, 6/ 2020, ứng với mức 915.000 đ/ người/ tháng).

Có thể nhận định rằng trong hoàn cảnh bình thường trước đại dịch thu nhập của người lao động trong ngành HKVN tương đối cao. Vì vậy các cơ quan cấp trên cho rằng không đến nỗi khẩn cấp lắm! Thực ra đó là sự suy luận không phù hợp với thực tế vừa qua.

(2). Thứ hai, phải kể đến là tính quyết đoán của cán bộ, nhân viên phụ trách chưa cao trong xử lý, điều hành công việc. Thậm chí có nơi còn quan liêu, cứng nhắc tạo nên những khoảng rào cản tâm lý nặng nề, vô lý làm ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch chung của toàn hệ thống. Có những nội dung đã rõ ràng như ban ngày nhưng vẫn đưa qua đẩy lại làm chậm thời gian nên mất cơ hội trong hoạt động hàng không.

(3). Thứ ba là tinh thần phối hợp, hiệp đồng thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức chưa cao; Có biểu hiện sợ trách nhiệm nên trong quản lý điều hành còn đưa qua, đẩy lại làm chậm thời gian gây tình trạng bế tắc công việc, tạo tâm lý chán nản cho những người trực tiếp, tích cực làm việc. Đôi khi các quyết định lớn đã có đầy đủ, quyết định xong nhưng việc triển khai chi tiết còn quá chậm chạp.

(4). Thứ tư là tính kỷ luật của toàn hệ thống còn bộc lộ nhiều hạn chế. Khi Thủ tướng chính phủ đã nói:”Phải chống dịch như chống giặc” thì đáng lẽ ra các cơ quan tham mưu, giúp việc và các tổ chức cấp dưới phải nhận thức nhanh được vấn đề và phải có động thái chuyển hoạt động sang trạng thái thời chiến ngay và tìm cách để tháo gỡ những khó khăn cho các hoạt động của cơ quan và các doanh nghiệp. Đặc điểm của ngành hàng không là tốc độ nhanh, tính thống nhất đồng bộ, kỷ luật rất cao. Qua thực tế ứng phó với đại dịch Covid-19 cho thấy trong toàn hệ thống của chúng ta còn nhiều bất cập. Mỗi cơ quan, đơn vị cần rút kinh nghiệm để sẵn sàng cho chiến dịch mới khi đại dịch quay lại hoặc phải quản lý rủi ro đột xuất trong các tình trạng đột xuất khác do thiên tai địch họa khác gây ra trong thời gian tới.

(5). Thứ năm là ngay trong Luật và hệ thống văn bản dưới luật HKDD Việt Nam, các quy trình quy phạm hàng không hiện hành cũng còn bộc những bất cập cần thiết phải rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới trong đó có nội dung chống đại dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, nhất là với nền kinh tế số và nền công nghiệp công nghệ 4.0.

Những hạn chế nêu trên chúng ta có thể khắc phục được nhanh chóng nếu mỗi thành viên trong ngành và các cơ quan quản lý ngành HKVN nghiêm túc rút kinh nghiêm vừa qua và có quyết tâm khắc phục vì sự phát triển nhanh và bền vững của ngành HKVN trong tương lai.

Nguyên nhân của hạn chế

(1). Về khách quan: Ngành HKVN của chúng ta là một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại nhưng còn rất non trẻ so với các ngành kinh tế khác trong nước và với hàng không các nước khác trên thế giới; Đây là lần đầu tiên xuất hiện Đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường, lạ lẫm chưa có tiền lệ. Những kiến thức cơ bản về ứng phó với loại dịch bệnh này chưa được phổ biến và không thể hình dung nổi đối với đa số, nếu không nói là hầu hết đội ngũ nguồn nhân lực hàng không Việt Nam. Một số người hoảng loạn không biết ứng phó ra làm sao (!). Một số khác đã đưa những thông tin khuyếch đại sai sự thật gây nên hoang mang trong cộng đồng.

(2). Về chủ quan: Nhận thức, trình độ của cán bộ, nhân viên còn hạn chế cần tiếp tục bổ sung kiến thức nâng cao cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên từ trên các cơ quan nhà nước xuống cơ sở sản xuất kinh doanh về lý luận quản lý khủng hoảng, rủi ro; về các giải pháp cấp bách ứng phó với các loại dịch bệnh nguy hiểm chưa có tiền lệ; về tính kỷ luật sắt khi triển khai các tình huống đột xuất, hiểm nguy...Mặt khác ngay trong Luật và hệ thống văn bản dưới Luật của ngành HKVN cũng còn nhiều bất cập cần sớm được quan tâm hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu phát triển của Ngành trong giai đoạn mới.

Hoàn thiện hệ thống chính sách đối với ngành hàng không Việt Nam

Nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế trong điều kiện chưa khắc phục được dịch bệnh. Từng bước khôi phục mở lại đường bay quốc nội và bay quốc tế đến các vùng đã kiểm soát được dịch bệnh. Những chính sách liên quan đến ngành Hàng không liên quan nhiều Bộ, Ngành, Địa phương. Do vậy, cần phối hợp triển khai chủ động, thống nhất, đồng bộ và toàn diện.

Cần thiết kéo dài thời gian thực hiện các khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không. Cụ thể là: Triển khai gói hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không cải thiện khả năng thanh khoản. Theo nhu cầu của các hãng hàng không, gói hỗ trợ tín dụng được đề xuất là 25.000- 27.000 tỷ VN đồng trong thời hạn 3- 5 năm với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng thương mại; Tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid 19 đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết tháng 6/2023; Tiếp tục giảm phí, lệ phí đối với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đậu đối với tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí hạ/ cất cánh, …), giảm giá đối với một số dịch vụ tại các cảng hàng hết tháng 6/2023; Tiếp tục giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp hàng không, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia không (giá dịch vụ điều hành bay đi - đến,…) như các quy định hiện hành cho tới tăng, thuế thu nhập cá nhân của nhân sự làm việc trong ngành hàng không, thuế nhà thầu nước ngoài, tiền thuê đất, cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh, cho tới hết tháng 6/ 2023. Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, tối thiểu là giảm 70%, áp dụng trong thời gian từ 01/01 tới 31/06/2023. Tiếp tục hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương cho tới hết tháng 6/2023. Nghiên cứu và triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không xử lý nợ sau khủng hoảng. Điều chỉnh những chính sách, các quy định liên quan tới công tác đào tạo nhân lực cho ngành hàng không theo hướng dành sự ưu đãi cho những hoạt động này. Một trong những văn bản như vậy là Nghị định số 14/ 2019/ NĐ- CP ngày 01/ 02/ 2019 của Chính phủ. Những tàu bay phục vụ đào tạo tại các cơ sở đào tạo ngành hàng không cần được bổ sung vào danh sách các sản phẩm được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (30%). Đánh giá để chỉnh sửa Luật hàng không và các văn bản dưới luật có liên quan theo hướng: (1) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của ngành; (2) hoàn thiện sự phân cấp quản lý Nhà nước đối với ngành hàng không Việt Nam. Hoàn thiện các quy định liên quan tới việc phân định ranh giới bầu trời, mặt đất giữa hàng không dân dụng và quân sự, khắc phục những điểm chồng lấn là yếu tố tiềm ẩn uy hiếp an toàn bay và gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành. Hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý liên quan tới việc sử dụng tín hiệu GPS chính thức cho dẫn đường PBN và Giám sát tự động phụ thuộc ADS để đảm bảo việc điều hành, chỉ huy bay vẫn không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến an toàn hàng không khi có sự cố. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với ngành hàng không, cho phép các hãng hàng không triển khai các hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Tóm lại

Đại dịch Covid-19 đã làm cho loài người phải gồng mình chống đỡ hết sức cam go trên toàn thế giới. Ngành HKDD thế giới từ chỗ đang trên đà phát triển đầy ngoạn mục với nhiều hứa hẹn một thời kỳ phát triển rực rỡ đã phải rơi vào vòng xoáy của sự suy sụp nghiêm trọng. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã rơi vào tình trạng phá sản hoặc bên bờ vực của phá sản. Hầu hết các hãng hàng không đều giảm sút và suy thoái nặng nề. Các quốc gia đã nhanh chóng tìm mọi cách hỗ trợ để vực dậy ngành HKDD trong khó khăn chồng chất.

Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, ngành HKVN đã gặp phải một kẻ thù phá hoại vô cùng tàn ác bởi sự phá hoại toàn diện, nhanh chóng và dấu mặt không biết từ đâu đến và cũng không thể biết đến bao giờ kết thúc. Lúc đầu nó làm cho mọi người hoang mang, thậm chí là rất lúng túng và hoảng sợ, nhưng qua một thời gian thử thách mỗi thành viên và cả tập thể từng vị trí công tác đã rút ra được bài học xương máu của mình và đã có nhiều cách ứng phó kịp thời và hiệu quả. Sự tàn phá của đại dịch là vô cùng tai hại và nặng nề. Những ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn từ đầu đến nay phải nói là rất đáng ghi nhận. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng Nhà nước đã kịp thời có những chủ trương và chính sách hỗ trợ quan trọng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành HKVN. Đó là sự hỗ trợ quí báu về cơ chế và chính sách quan trọng mang tính lâu dài và sự hỗ trợ trực tiếp về tài chính, về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, về tái cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp vời tình hình mới…

Mặc dù trong hoàn cảnh rất bỡ ngỡ, bị động bất ngờ khi ứng phó với đại dịch Covid-19 lần đầu trong lịch sử, dù cho chủ quan và khách quan còn nhiều hạn chế nhất định, những chủ trương chính sách của Nhà nước và các đơn vị sản xuất kinh doanh của ngành HKVN đưa ra để ứng phó với Đại dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng để toàn Ngành vượt qua đại dịch. Đến nay mặc dù diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường nhưng chúng ta có thể nói rằng ngành HKVN đã vượt qua giai đoạn gay go nhất của dịch bệnh và đã từng bước làm chủ được tình hình để củng cố, phục hồi và phát triển sản xuất, tìm cách sớm phục hồi mọi hoạt động vận tải hàng không để hoàn thành tốt nhất có thể cả hai nhiệm vụ chiến lược nhà nước giao cho. Với những kinh nghiệm đã thu lượm được trong giai đoạn vừa qua chúng ta có quyền tin tưởng về sự phục hồi nhanh chóng và bước phát triển mới sáng sủa đang chờ đón ngành HKVN trong tương lai./.

TS. Trần Quang Châu

Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Viện trưởng Viện khoa học Hàng không (ASI)

TS. Phùng Thế Tám

Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ATAG (2005), The economic & social benefits of air transport.
2. ICAO / IATA Covid Government Relief Measure
3. Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19.
4. Nghị định 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính Phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
5. Nghị định 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.
6. Nghị quyết số 42/ NQ- CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19.
7. Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid 19.
8. Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/ 7/ 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/ 2018/ UBTVQH 14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
9. Quyết định số 236/ QĐ- TTg ngày 23/ 02/ 2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng tới 2030.
10. Quyết định số 1055/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 5 năm 2019 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2606/QĐ-BGTVT ngày 07/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
11. Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19.
12. Thông tư số 01/2020/TT- NHNN ngày 13/ 3/ 2020 của Ngân hàng Nhà nước Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữa nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid 19.
13. Thông tư số 46/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.
14. Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021 quy định về nội dung giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.
15. Nguồn Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam

TS. Trần Quang Châu - TS. Phùng Thế Tám