Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm

Vũ Xuân Kiên
Đây là thông tin được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, chiều 9/1.
thuong-mai-dien-tu-320230109190744-1673430066.jpg
Đại diện lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham gia hội nghị

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Báo cáo do eMarketer công bố tháng 1/2022 chỉ ra, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đây cũng là một trong mười sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2022.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong năm qua, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thứ nhất, về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử, trong năm qua, Cục được giao làm đầu mối tham mưu, xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18 tháng 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 08 tháng 3 năm 2022.

Cục cũng đã xây dựng dự thảo và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 64/QĐ-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thương mại điện tử thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Thứ hai, về công tác phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo thương mại điện tử luôn được Cục xác định là khâu đầu tiên và có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thi hành pháp luật. Trong năm 2022, Cục đã triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật một cách toàn diện.

Cụ thể, Cục đã phối hợp với các sở Công Thương tổ chức 63 lớp đào tạo, tập huấn tại 40 Tỉnh, Thành phố với gần 8.000 học viên; Phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức 9 lớp đào tạo trong chuỗi sự kiện “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tại 7 tỉnh, thành phố với gần 2.000 đại biểu tham gia.

Ngoài ra, chương trình “Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên” đã tổ chức được 12 lớp live stream với lượng tham gia là 831 lượt/lớp; Phối hợp với các đơn vị đào tạo uy tín trên cả nước triển khai các lớp đào tạo, hội thảo với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu.

Trong năm 2022, Cục cũng tiếp tục xây dựng và phát hành ấn phẩm Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, cập nhật các các văn bản pháp luật mới có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Ấn phẩm là tài liệu tham khảo hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong việc định hướng sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, về công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử. Trong năm 2022, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp và tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website TMĐT và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục cũng chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại điện tử đối với 08 đơn vị theo kế hoạch năm 2022 và đã xử phạt vi phạm hành chính 222 triệu đồng.

Thứ tư, về công tác thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số cũng được Cục chú trọng. Thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022 Cục đã triển khai tại hơn 30 địa phương, tập trung đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.

Cụ thể như chương trình Tuần lễ thương mại điện tử Quốc gia - Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday năm 2022; Chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn tại một số tỉnh, thành phố thông qua Gian hàng Việt và trên các Sàn thương mại điện tử lớn. Các Chương trình kết nối đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp Việt tiếp cận phương thức phân phối hiện đại trên thương mại điện tử… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu qua thương mại điện tử ra thị trường nước ngoài.

Trong năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã cho ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong thương mại.

Thứ năm, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của doanh nghiệp ngành Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương.

Bước đầu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các đối tác tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số Công Thương, qua đó đánh giá, trao đổi về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành Công Thương, từ đó kết nối, huy động nguồn lực để từng bước xây dựng Hệ sinh thái. Dự kiến Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương sẽ ra mắt vào Quý III năm 2023.

Thứ sáu, Cục đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra cơ hội kết nối cho doanh nghiệp trong khối ASEAN, thông qua Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN – ASEAN Online Sale Day 2022 đã có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực tại 10 quốc gia thuộc ASEAN cung cấp dịch vụ, hoạt động mua sắm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước và các đơn vị liên quan triển khai "Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia".

Hiện nay, Cục đang tiếp tục tiến hành công tác hướng dẫn, điều hành hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia đối với các thương nhân sản xuất, đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu đúng như tiến độ đã đề ra.

thuong-mai-120230109190718-1673430066.jpg
Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại hội nghị

Trình bày phương hướng hoạt động 2023 tại lễ tổng kết, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, phương hướng hoạt động trong năm 2023 được chia làm 5 mục chính.

Một là tổ chức thực thi pháp luật thương mại điện tử, cụ thể như kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hai là, triển khai các giải pháp phát triển Thương mại điện tử và Kinh tế số như nâng cấp và vận hành các giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử (KeyPay, CeCA, 1. Vsign,...). Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (Go Online, Go Export, ECVN, Vietnamexport,...)

Triển khai nhiệm vụ, điều tra thống kê quốc gia về thương mại điện tử. Nghiên cứu, triển khai giải pháp nâng cao năng lực dự báo thương mại điện tử quốc gia nhằm mục tiêu nâng cao năng lực dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng thương mại điện tử, kinh tế số của ngành công thương tại 63 tỉnh/thành phố.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Công Thương, Chính phủ số Bộ Công Thương.

Bốn là phát triển Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương.

Năm là tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử.