Cuộc thi có quy mô toàn quốc được phát động, triển khai từ ngày 2-4 đến ngày 1-8-2024. Với chủ đề “Thủ đô Hà Nội-Vị thế mới-Tầm vóc mới”, nội dung tác phẩm dự thi có thông điệp rõ ràng, góc nhìn mới lạ, độc đáo về Thủ đô Hà Nội, thể hiện tình yêu của người Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Hà Nội dựa trên các thông điệp như: Thăng Long-Hà Nội “Nghìn năm văn hiến”; Hà Nội-Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; Người Hà Nội hào hoa-thanh lịch-nghĩa tình-văn minh. Các tác phẩm phản ánh thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Lễ trao giải. |
Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Sau gần 4 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.101 tác phẩm (tổng số 1.950 ảnh) của 208 tác giả tham gia dự thi. Trong đó có 122 tác phẩm ảnh bộ và 979 tác phẩm ảnh đơn. Các tác phẩm tham gia dự thi là những bức tranh đa sắc màu, phản ánh những nét đẹp đặc sắc về phong cảnh, văn hóa con người Thủ đô, các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, sự kiện nổi bật. Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền giới thiệu, quảng bá, văn hóa, du lịch, kinh tế-xã hội qua góc nhìn đa dạng của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Ban tổ chức trao giải nhất tặng các tác giả. |
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Cuộc thi được tổ chức đã nhận được những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nghệ thuật về Hà Nội, qua đó tuyên truyền tới nhân dân Hà Nội và cả nước về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trách nhiệm phát triển Thủ đô, khơi dậy truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của Thủ đô Hà Nội”.
Ban tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm các tác phẩm đoạt giải. |
Các đại biểu tham quan triển lãm. |
Bà Trần Thị Thu Đông, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá: “Tham dự cuộc thi, nhiều tác giả đã khám phá tìm tòi để có nhiều góc máy mới, lạ gây ấn tượng về một thành phố tươi đẹp, cổ kính. Những giá trị trân quý này cần được gìn giữ, lưu truyền và phát huy để di sản luôn là cây cầu kết nối quá khứ với hiện tại, trở thành nền tảng văn hóa truyền thống khẳng định bản sắc của Hà Nội, nguồn lực quan trọng để khai thác và phát triển du lịch Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.
Kết quả, Ban tổ chức trao 5 giải A, 10 giải B, 20 giải C, 30 giải khuyến khích, 15 giải khuyến khích chuyên đề và 5 giải khuyến khích phong trào cơ sở dành cho tập thể và cá nhân.