Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này đòi hỏi cần đánh giá đầy đủ hơn về "sức khỏe" của doanh nghiệp, để có giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và phát triển.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho biết, qua báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, các giải pháp Chính phủ đưa ra đều rất toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực với nhiều điểm mới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) ghi nhận, trong bối cảnh hết sức khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, với sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Kinh tế nước ta tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng của kinh tế thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt. Thành quả này được cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng là thực tế đáng suy ngẫm. Đại biểu cho rằng, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà. Từ đó, kiến nghị có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) vui mừng với những kết quả đất nước đạt được khi kinh tế vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định trong khi kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, đại biểu lo lắng khi số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn tỷ lệ cao; nhiều dự án đầu tư còn dở dang và tài sản công còn sử dụng chưa hiệu quả.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị tập trung vào các giải pháp, như tiếp tục thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; tiếp tục trình Quốc hội miễn, giảm thuế, phí tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế VAT 2%... Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. “Với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù” - đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đánh giá, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.