Đẩy mạnh chuyển đổi số bằng tư duy đi tắt đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ

Tran Huy

Sáng 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá kết quả năm 2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ Trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban.

Đẩy mạnh chuyển đổi số bằng tư duy đi tắt đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thực hiện các chủ trương, đường lối, chiến lược, chương trình của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai chuyển đổi số để phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số khi công nghệ số được ứng dụng để phát triển các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; năm 2022 là năm tăng tốc thực hiện chuyển đổi số với nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh việc đưa người dân lên các nền tảng số “Make in Việt Nam”, đẩy mạnh triển khai Đề án 06.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ thì dữ liệu số là yếu tố quyết định. Do vậy, chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước. Năm 2023 còn là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025.

Có một năm 2023 thành công với việc hoàn thành các mục tiêu quan trọng đã đặt ra đến năm 2025 sẽ tạo lập nền tảng mang tính quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược không chỉ giai đoạn 2021-2025 mà còn cho cả giai đoạn đến năm 2030.

Nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua được đền đáp bằng nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một số kết quả cụ thể năm 2022: tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100% (mục tiêu 100%); tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5% (7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66% (65%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80% (80%); tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 54,34% (50%); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50% (50%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng đạt 75% (75); tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt 30,07% (30%); tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85% (85%)…

Đẩy mạnh chuyển đổi số bằng tư duy đi tắt đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ ảnh 2

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị quan trọng này để bàn giải pháp cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Thủ tướng nêu rõ, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội; tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường: cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt hơn, cạnh tranh kinh tế và thương mại ngày càng phức tạp, xung đột Nga-Ukraine chưa biết khi nào kết thúc; hậu quả đại dịch Covid-19 còn phải nhiều năm nữa mới khắc phục được.

Chuyển đổi số đang là xu hướng, là phong trào có tính toàn cầu, do đó chúng ta phải tranh thủ được xu hướng này. Trong nước, nền kinh tế có những cơ hội, thuận đồng thời có khó khăn, thách thức đan xen, do đó chúng ta xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; chúng ta đang chịu sức ép đến cùng một lúc đến từ các bên, nhất là bên ngoài, trong đó có cả yếu tố bên trong.

Chuyển đổi số đang là xu hướng, là phong trào có tính toàn cầu, do đó chúng ta phải tranh thủ được xu hướng này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nền kinh tế chúng ta quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và thích ứng với những điều kiện mới còn hạn chế; sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất đang gia tăng; các thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp. Do đó, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn liên quan thị trường, cắt giảm lao động, cạnh tranh thương mại… đòi hỏi phải đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để khắc phục những khó khăn thách thức.

Chuyển đổi số là một trong nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và thúc đẩy phục hồi kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.

Vì vậy, chúng ta phải có tư duy đi tắt đón đầu, “đi trước về trước”, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị tiên tiến. Về dữ liệu dân cư, Thủ tướng khẳng định đây là nguồn tài nguyên quý của quốc gia, từ đó chúng ta phải thể chế hoá, cụ thể hoá trong chương trình hành động, biến nguồn tài nguyên này thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển trong kỷ nguyên số.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số, chỉ ra những điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị…; trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT…, đánh giá phản ứng của chúng ta trước những vấn đề mới, tiếp tục có giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam…

Tin: THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI