Đề nghị làm rõ liệu có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội?

Nguyễn Ánh Hiền
Trước tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong thời gian dài dù các đối tượng này không thuộc diện phải đóng bảo hiểm bắt buộc, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị làm rõ liệu có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không?

Có thực trạng cơ quan quản lý thu sai bảo hiểm xã hội

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, trong phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp lần này, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời rất cầu thị.

ndo-br-dsc01392-2275-1686103570.jpg

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tuy nhiên, đối với vấn đề nhiều cử tri và đông đảo nhân dân cả nước quan tâm, đó là các vấn đề chính sách bảo hiểm xã hội và các vấn đề liên quan, trong đó có việc cơ quan bảo hiểm đã thu sai bảo hiểm xã hội đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể, theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, phần trả lời của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng.

Đại biểu nêu rõ, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm đối với các hộ kinh doanh cá thể, các hộ này không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng cơ quan bảo hiểm vẫn thu và đã thu trong một thời gian khá dài.

Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng, nữ đại biểu cho biết, giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội có trả lời rất quan tâm và quan điểm của Bộ trưởng là ưu tiên quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, các đối tượng đã mua bảo hiểm trong thời gian qua.

Bộ trưởng cũng mong muốn rằng sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Bảo hiểm (sửa đổi) và có quan tâm đến nội dung này.

Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương.

Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được phát hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này.

Bộ trưởng cho biết thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng sự quan tâm của Bộ trưởng là chưa đủ thỏa lòng cử tri, bởi cử tri đang đặt ra một vấn đề tại sao một cơ quan nhà nước ở lĩnh vực quản lý và thực hiện nhiệm vụ về thu bảo hiểm xã hội lại làm sai quy định của pháp luật.

“Tôi cũng như là cử tri mong muốn rằng trong phiên chất vấn lần này tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng cũng như các cơ quan có trách nhiệm và Chính phủ sẽ có câu trả lời về lộ trình giải quyết các vấn đề này như thế nào và đặc biệt là những sai phạm này có tiêu cực hay không?”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ.

Từ đó, đại biểu bày tỏ mong muốn có giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này. “Nếu có tiêu cực xảy ra thì sẽ xử lý dứt điểm như thế nào để như Bộ trưởng nói là ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đến nơi, đến chốn và việc thực thi chính sách pháp luật được bảo đảm theo quy định?”, đại biểu cho biết.

Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp liên quan sau chất vấn

ndo-br-ta-dinh-thi-1340-1686103615.jpg

Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội), Bộ trưởng đã có những trả lời rất là cụ thể về những vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn cùng với tình hình chung trên thế giới và khu vực. Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc đưa ra các giải pháp để thực hiện giải quyết công ăn việc làm cho lao động thất nghiệp.

“Theo tôi trong thời gian tới, Chính phủ cũng như là Thủ tướng và các bộ, ngành và địa phương cần phải tiếp tục quan tâm để tập trung thực hiện các giải pháp liên quan. Trong đó, tôi cho rằng vấn đề về phát triển kinh tế, khơi thông các cái nguồn lực vẫn là một trong những ưu tiên quan trọng”, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kích thích tiêu dùng trong nước cũng như thị trường nội địa cùng với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, đây cũng là một trong những nội dung mà trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã có sự quan tâm nhưng mà chưa đủ và đúng mức để làm sao mà thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong giới trẻ để thúc đẩy khởi nghiệp.

Bày tỏ quan tâm đến vấn đề năng suất lao động, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nhấn mạnh, đây là 1 trong tổng số 15 chỉ tiêu mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đạt được.

ndo-br-dsc01400-1268-1686103663.jpg

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ở phiên chất vấn lần này, nhiều đại biểu đã xoáy sâu vào vấn này và các giải pháp trong thời gian tới, đó là trách nhiệm giữa ngành lao động và ngành giáo dục, đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Hồ Thị Minh, phải nhận định một cách rõ ràng hơn nữa, phân định luồng học sinh để thúc đẩy các trường đào tạo nghề nâng cao chất lượng và thật sự có hiệu quả, đặc biệt, để tránh lãng phí các nguồn lực được đào tạo, đào tạo xong phải đem vào sử dụng để phát huy được hiệu quả của các trường nghề.

“Đó là một trong những điểm nhấn mà tôi nghĩ Bộ trưởng khi đã hứa rồi thì chắc chắn sẽ có những giải pháp căn cơ nhất để thực hiện lời hứa này trong thời gian tới”, nữ đại biểu tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

“Loay hoay” với rút bảo hiểm một lần

Bình luận về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, giải pháp về vấn đề này vẫn còn đang “loay hoay”, ngoài tăng cường truyền thông thì vẫn chưa có giải pháp nào hợp lý, có hiệu quả.

Bởi theo luật, người lao động được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu họ rút một lần thì phải giải quyết. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân vì sao họ lại rút bảo hiểm xã hội một lần?

ndo-br-dsc01397-45-1686103688.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Theo tôi, ở đây thường là những đối tượng công nhân, người nghèo bị mất việc khi họ không còn bất cứ một nguồn thu nhập nào khác, không còn bất cứ một khoản tiền nào lo cho cuộc sống, thì buộc phải tính đến “của để dành” là khoản tiền bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Mặc dù về lâu dài, người lao động cũng có nhận thức được sẽ thiệt thòi, nhưng họ buộc phải giải quyết tình trạng trước mắt như ăn, mặc để tồn tại. Đây là con đường duy nhất của nhiều người lao động nghèo để được một khoản tiền trước mắt.

Nêu giải pháp, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cùng với việc rà soát lại các quy định như nâng số năm đóng lên với thời hạn rút bảo hiểm xã hội một lần, số tiền phần trăm khi rút bảo hiểm một lần nên sửa đổi theo hướng nếu rút một lần thì người lao động sẽ bị thiệt thòi. Khi đó, người lao động sẽ phải tính toán để đóng tiếp.

Muốn làm được như vậy, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến cuộc sống hiện tại của người lao động. Nguyên nhân chính để người lao động rút bảo hiểm một lần là do số lượng bị mất việc làm tăng lên, sự hỗ trợ từ nhà nước cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

Kiến nghị xử lý hình sự doanh nghiệp vi phạm đóng bảo hiểm xã hội

Trong khi đó, về việc khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm có thể xử lý doanh nghiệp vi phạm đóng bảo hiểm xã hội cho lao động bằng xử lý hình sự.

dsc01377-3067-1686103712.jpg

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo đại biểu, khi người lao động làm việc cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho họ thông qua trích một khoản từ tiền lương. Do vậy, việc doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, quyền lợi của người lao động khi xin nghỉ việc.

Để khắc phục tình trên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ có những động thái quyết liệt để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại sau tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thông qua cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn vốn, tạo quỹ đất cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…

Những giải pháp này vừa góp phần giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng duy trì và phát triển sản xuất, vừa giúp người lao động có thêm việc làm để ổn định cuộc sống, góp phần giảm tải tỷ lệ lao động thất nghiệp.

Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tham mưu với Chính phủ đề xuất có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm việc đóng bảo hiểm cho lao động không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà phải bằng xử lý hình sự. Cơ quan chức năng cần thực hiện việc làm này để lấy đó làm hình thức răn đe cho doanh nghiệp khác không vi phạm.

Để hạn chế lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần có sự hỗ trợ kịp thời với người lao động khi các doanh nghiệp đóng cửa hoặc đình trệ sản xuất, kinh doanh.