Đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp

Đến năm 2024, cả nước có 121 công ty nông nghiệp, được nhà nước giao, cho thuê là 478.039 ha đất. Căn cứ vào quy định về giao khoán và điều kiện thực tế, các đơn vị đã áp dụng nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của đơn vị và khả năng của bên nhận khoán.

Ngày 25/7 tại Hà Nội, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Vụ Kinh tế ngành (Ban Chính sách chiến lược Trung ương), Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường cùng tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp”.

giao-khoan-trong-cac-cong-ty-nong-nghiep-pld-1753436723.jpg
Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp”.

Báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tiến - Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, việc khoán đất nông, lâm nghiệp trong công ty nông, lâm nghiệp đã là động lực, có vai trò quan trọng trong các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước khai hoang, mở rộng diện tích, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chủ trương “Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc - Chương trình 327” và “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng-Chương trình 661”.

“Khoán đất nông, lâm nghiệp qua nhiều giai đoạn khác nhau, với những cơ chế, quy định khoán thay đổi, thiếu những quy định, hướng dẫn chuyển đổi nên dẫn đến tồn tại nhiều hình thức khoán, xung đột, mâu thuẫn trong thực hiện hợp đồng khoán” - ông Tiến nói.

Theo ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, đến năm 2024, các công ty nông nghiệp đã thực hiện khoán gần 114.000 ha, tương đương khoảng 25,69% tổng diện tích đất nông nghiệp của các công ty đưa vào sử dụng.

Việc giao khoán đã có tác động tích cực như khắc phục tình trạng hoang hóa đất đai trở lại và cải tạo vườn cây trong các công ty nông nghiệp đã xuống cấp vào những năm 90, đáp ứng mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là người dân địa phương tham gia cùng với các công ty nông nghiệp, nhà nước đầu tư vốn, sức lao động. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, vườn cây, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, công tác khoán vẫn còn nhiều hạn chế đó là các văn bản quy định pháp luật về khoán có nhiều thay đổi, làm cho bên khoán và bên nhận khoán gặp vướng mắc trong thiết lập hồ sơ và thực hiện chuyển tiếp ký lại hợp đồng khoán. Tình trạng khoán không đầu tư (khoán trắng), hoặc đầu tư thấp còn tồn tại ở nhiều công ty nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và công ty nông nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý khoán, nhất là trong việc xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm hợp đồng khoán. Công tác bàn giao đất về địa phương gặp nhiều khó khăn...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách giao, nhận khoán trong các công ty nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời cũng qua đó chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp về giao khoán và tổ chức quản lý, sử dụng đất đai trong các công ty nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất; tổ chức sản xuất ở các công ty nông nghiệp trong bối cảnh có những yêu cầu đòi hỏi mới về thị trường xuất khẩu.

de-xuat-giai-phap-giao-khoan-trong-cac-cong-ty-nong-nghiep-pld-1753436723.jpg
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị, cần sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp vào năm 2026; Sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng giao quyền chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất, giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp; triển khai các nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất, thực hiện khoán đất lâm nghiệp trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng, hợp đồng giao khoán để tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong khoán đất lâm nghiệp 50 năm, 20 năm và theo chu kỳ cây trồng, khuyến khích các mô hình tổ chức sản xuất mới kết hợp giữa lâm nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái, từ đó tăng giá trị kinh tế từ rừng.

Cũng theo ông Tiến, cần rà soát quy hoạch đất đai, trọng điểm là những vùng trước năm 1990 thực hiện chủ trương di dân, xây dựng vùng kinh tế mới, giao đất thực hiện Chương trình 327/661, đến nay chuyển sang giao khoán đất lâm nghiệp, các hộ dân cư không có đất ở đất sản xuất.

Nghiên cứu, cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các cụm tuyến dân cư đã ổn định và có nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo quy hoạch, phục vụ yêu cầu phát triển nông thôn mới ở địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hợp đồng khoán, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trồng rừng, bảo vệ rừng…

Hoàng Anh