Dệt may Việt quyết giành lại thị phần

Vũ Xuân Kiên
Là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, với mức tăng trưởng hằng năm đều ở mức hai con số, tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện đang tỏ ra "lép vế" ngay tại sân nhà, trước sự chiếm lĩnh thị trường của các hãng thời trang nước ngoài.

Ðể giành lại thị phần trong nước, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật, tăng cường tạo mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Định hình phong cách Việt

Nhiều năm qua, một số hãng thời trang hàng đầu trong nước như Tổng công ty May 10, Tổng công ty Ðức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng,... đã và đang tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng và từng bước thu được tín hiệu tích cực.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, để chinh phục thị trường trong nước, định hình xu hướng cho ngành thời trang Việt, trong 30 năm qua, đơn vị liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra,... Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Vừa qua, May 10 tiếp tục đưa ra thị trường hai dòng thương hiệu mới là DeTheia - dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos - dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại. Với mong muốn mang lại những sản phẩm thời trang đẳng cấp, thuần Việt nhưng mang hơi thở và xu hướng thời trang quốc tế, May 10 luôn nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất.

463513s-977-1677231052.jpg
Khách hàng chọn mua sản phẩm may mặc tại cửa hàng thời trang M2 (quận Ðống Ða, Hà Nội).

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðức Giang Phạm Tiến Lâm khẳng định, những năm qua, đơn vị luôn tập trung đầu tư cho khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới nhằm tăng trưởng xuất khẩu và cạnh tranh tại thị trường trong nước. Ðến nay, công ty đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu thời trang như Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young,… đồng thời phát triển chuỗi cửa hàng may đo veston thương hiệu Smart Suits Tailor Shop đã được khách hàng trong nước tin dùng và đánh giá cao. Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại cũng như về giá cả sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, đơn vị còn được nhiều doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn là nhà cung cấp đồng phục văn phòng như Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng An Bình (ABBank), Kho bạc Nhà nước,…

Không chỉ riêng May 10 hay Ðức Giang, các doanh nghiệp ngành dệt may khác như Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng,... cũng không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, ông Thân Ðức Việt cũng cho biết, doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh ngày càng gay gắt với các hãng thời trang nổi tiếng thế giới đang chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn phải đối mặt với tình trạng hàng nhập từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn ngập thị trường. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua thiệt, hàng ngoại nhập lấn áp, chiếm lĩnh thị trường như hiện nay.

Phát triển thị trường ngách

Việc tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường của một số hãng thời trang lớn trên thế giới như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, hay mới đây là thương hiệu thời trang của Hàn Quốc và Italy "đổ bộ" vào Việt Nam đã không ngừng thu hút sự quan tâm, mua sắm tiêu dùng của giới trẻ. Ðiều đó cho thấy sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với các hãng thời trang nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Mặc dù doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng nhưng tiềm lực tài chính mỏng, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, doanh nghiệp dệt may vẫn phát triển hiệu quả thị trường trong nước, năm 2022 tăng 40% so năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế khiến sức mua giảm dần những tháng cuối năm 2022, dẫn đến doanh thu của nhiều thương hiệu tốt, hệ thống phân phối phủ khắp toàn quốc như Việt Tiến, May 10,... bị giảm. Ngay như trung tâm thời trang của Vinatex, các năm trước doanh thu mỗi ngày đạt khoảng 1 tỷ đồng vào dịp cao điểm cuối năm thì nay chỉ ở ngưỡng 500 triệu-600 triệu đồng. Thời gian qua, không ít doanh nghiệp phải giảm số cửa hàng, hạn chế mở mới mà quy về những địa điểm nhất định để tối ưu vận hành, chi phí, đưa ra mức giá sản phẩm đủ sức hấp dẫn so với thu nhập của người tiêu dùng.

Cũng theo ông Trường, các hãng thời trang nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo chiến lược, mục tiêu dài hạn, thực chất kinh doanh vẫn bị lỗ ở Việt Nam nhưng lại lãi ở các thị trường khác cho nên về tổng thể họ không quá lo lắng vấn đề này. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong nước lại khác, nếu bị lỗ sẽ rất khó vực dậy để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. Ðây chính là điểm khác biệt, thể hiện ưu thế của các thương hiệu, doanh nghiệp toàn cầu. Việt Nam đang xây dựng và phát triển thị trường theo cách riêng, không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn khi mở các trung tâm, cửa hàng một cách ồ ạt mà phải dựa trên nền tảng phân tích nội lực, phù hợp với người Việt Nam. Chẳng hạn như May 10 cho ra dòng sản phẩm thời trang nữ với số lượng nhỏ, mẫu nhiều, phục vụ may đo, nhảy cỡ nhiều, đây là cách đánh du kích bên cạnh người "khổng lồ", trong khi các hãng nước ngoài không thể may đo cho từng người được. Ðiều đó cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần chọn hướng đi theo ngách nhỏ, khó, khác biệt,... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang nhận định, thị trường trong nước với quy mô gần 5 tỷ USD đang được doanh nghiệp nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường. Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu,... nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.

Thị trường thời trang Việt Nam hiện đang có những bước chuyển mình tích cực, không chỉ thể hiện bằng đột phá trong thiết kế mà cả trong tư duy thời trang của khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần xem thị trường trong nước là thị trường chiến lược lâu dài, có kế hoạch phát triển phù hợp từng giai đoạn, thời kỳ. Ðặc biệt, cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng, sức mua của thị trường nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, khâu phân phối cũng cần hình thức phù hợp, tránh qua nhiều lớp trung gian, hạn chế đến mức thấp nhất chi phí để tăng sức cạnh tranh trên thị trường ■