Cổng làng Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương
Nghề thủ công vàng bạc Châu Khê hình thành khoảng 550 năm trước, xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới triều Lê sơ. Thời đó, Thượng thư bộ lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê được Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) giao trọng trách đúc bạc nén làm tiền tệ tại Kinh thành Thăng Long.
Đình làng Châu Khê nơi tri ân công đức với các bậc tiền nhân
Người dân nơi đây đã có nhiều thế hệ gắn bó với nghề kim hoàn, tạo ra những sản phẩm tinh xảo và đa dạng như trang sức, đồ mỹ nghệ và các vật dụng khác. Nghề kim hoàn không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân mà còn góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của địa phương.
Tay nghề tinh xảo của người thợ kim hoàn Châu Khê
Lễ hội Xuân- giỗ tổ nghề kim hoàn làng Châu Khê được tổ chức vào hai ngày 18 và 19 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, cả làng đều được dự tế lễ.
Nghiêm trang ngày giỗ Tổ nghề
Trong ngày tế lễ, trong khi hành lễ, những người dự lễ phải ăn chay, tắm gội, mặc trang phục truyền thống để đi đưa lễ. Sau lễ rước và nghi thức tuyên đọc chúc văn và dâng hương lên Thành Hoàng làng và các vị tiền nhân được thờ cúng trong đình làng.
Về với hội làng, các chủ xưởng, cơ sở kinh doanh, chế tác còn hội tụ cùng nhau, tự nguyện đóng góp tiền bạc ủng hộ địa phương để tôn tạo đình, chùa, lớp học; mua sắm đồ tế tự; xây dựng và nâng cấp đường làng, ngõ xóm; giữ gìn những di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng quốc gia. Ðây cũng là dịp để người Châu Khê trao đổi kinh nghiệm làm nghề, gặp gỡ bạn hàng gần-xa, tính chuyện làm ăn, cùng nhau đưa nghề truyền thống của làng tiến kịp với bước phát triển, hội nhập của đất nước.
Người con Châu Khê hân hoan ngày hội giỗ Tổ nghề
Ngoài việc chế tác trang sức, làng Kim Hoàn Châu Khê còn thu hút du khách bởi cảnh quan yên bình và nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Bắc Bộ.
Đâu đó vang tiếng câu thơ:
"Châu Khê Vàng Bạc quê mình
Hội xuân giỗ Tổ ra Đình dâng hương
Múa lân rộn rã khắp đường...
Tình làng nghĩa xóm thân thương mặn nồng
Xuân về mong ước đợi trông
Nghề vàng phát triển thành công hơn nhiều"
Phần trích đoạn trong bài thơ "Lễ Hội quê tôi" của chị Lê Lan, một người con quê hương Châu Khê phần nào đã thấy được sự thay đổi tươi đẹp của Châu Khê và lòng quyết tâm giữ nghề truyền thống của người dân nơi đây trong thời kỳ đổi mới của Đất nước.