Điều kiện áp dụng thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng từ 15/10/2025

Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
untitled-00051772-3641-1752482789.jpg
(Ảnh minh họa)

Trên đây là một trong những điều kiện phải đáp ứng khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2025.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó chính thức luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2025 bổ sung điều 198a vào sau Điều 198 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;

Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;

Biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;

Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật; không thuộc trường hợp bị tạm đình chỉ xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản;

Tài sản bảo đảm được thu giữ phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Một điều kiện nữa là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ đã thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ.

Đối với tài sản bảo đảm là động sản, việc công khai thông tin được thực hiện dưới các hình thức: (a) đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng; (b) gửi văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm; (c) thông báo cho bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm (nếu có) theo phương thức thông báo đã thoả thuận tại hợp đồng bảo đảm.

Đối với tài sản bảo đảm là bất động sản, thủ tục công khai thông tin phải được thực hiện chậm nhất 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ. Đồng thời, bổ sung thêm hình thức công khai thông tin là “niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm”.

Trường hợp không có thỏa thuận thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm (nếu có) hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hoặc phương thức khác theo các thông tin, địa chỉ do bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm cung cấp.

Trường hợp bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm (nếu có) thay đổi địa chỉ mà không thông báo cho bên nhận bảo đảm biết thì địa chỉ của bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm được xác định theo địa chỉ đã được các bên này cung cấp trước đó theo hợp đồng bảo đảm hoặc theo thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm.