Doanh nghiệp lữ hành và câu chuyện hộ chiếu mới: Cần sớm giải pháp kịp thời

Vũ Xuân Kiên

Liên tiếp một số nước châu Âu tạm dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam sẽ gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp lữ hành.

Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc đã có thông báo tạm dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam

Sau như Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc cũng đã ra thông báo tạm dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam. Quyết định này từ các nước đang khiến cho nhiều công dân Việt Nam lo lắng bởi ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch công việc, du lịch, du học.

Đặc biệt, với cộng đồng kinh doanh du lịch nước ngoài hiện đang rất thấp thỏm và “nín thở” lo ngại sẽ có hiệu ứng domino về tạm dừng cấp thị thực, làm ảnh hưởng đến các chương trình tour du lịch nước ngoài của doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Công Thương về tác động của việc tạm dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam từ một số nước, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) - ông Hoàng Nhân Chính đã nêu một số quan điểm.

Trước hết, ông Hoàng Nhân Chính cho hay, việc Bộ Công An thay mẫu hộ chiếu mới với nhiều cải tiến rất tích cực, công phu; trong đó sáng kiến rất tốt chính là trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - đảo Lý Sơn... góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, việc một số nước như Đức, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc chưa đồng ý cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới bởi có một số yếu tố liên quan đến hộ chiếu chưa đủ đáp ứng. Đây là điều thật sự đáng tiếc.

Từ quyết định được cho là bất khả kháng và khá đột ngột này, theo ông Hoàng Nhân Chính sẽ có nhiều đối tượng bị ảnh hưởng. Trong đó phải kể tới là du học sinh đang vào thời điểm nhập học, khách thăm thân và nhất là các doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour du lịch nước ngoài. Bởi hiện nay, các tour du lịch nước ngoài đang “ấm” dần, nhất là tour đi châu Âu đang khá sôi động khi các nước khu vực này đã mở cửa trở lại với hoạt động du lịch sau Covid-19 với nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các nước khu vực châu Á.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, qua trao đổi nhanh với một số các doanh nghiệp lữ hành đang bị tác động gián tiếp cho thấy, trong 1 đoàn khách 15 người thì chỉ cần 5 người không được cấp thị thực có nghĩa là số khách đoàn bị giảm đi, đồng nghĩa giá tour sẽ tăng lên. Ngoài ra, với 10 người còn lại có thị thực bình thường cũng sẽ dễ xảy ra trường hợp là khách không chấp nhận giá tour tăng, gián tiếp làm cho cả đoàn lớn không đi được.

Bên cạnh đó, hiện khá nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đặt cọc cho các dịch vụ như lưu trú, vé máy bay để có giá tốt nhất. Thủ tục này thông thường được các doanh nghiệp thực hiện sớm ngay khi khách xác nhận. Do vậy, khi xảy ra tình huống khách hàng không được cấp thị thực doanh nghiệp đối diện nguy cơ thiệt hại khi không đòi được tiền đặt cọc.

Rõ ràng, theo ông Hoàng Nhân Chính, bản thân các doanh nghiệp lữ hành đang rất lo lắng, chờ đợi vấn đề này được các cơ quan chức năng giải quyết sớm để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Về phía TAB, nêu một số giải pháp, theo ông Hoàng Nhân Chính, trước mắt cơ quan quản lý nhà nước nên có cuộc khảo sát với doanh nghiệp lữ hành đang kinh doanh đưa khách du lịch đi nước ngoài, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. Bởi, việc có ý kiến từ cơ quan quản lý sẽ tốt hơn việc để mình doanh nghiệp tự xoay sở.

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) - ông Hoàng Nhân Chính

Nếu doanh nghiệp phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc, nghĩa là doanh nghiệp mong muốn có ý kiến chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển sang Bộ Công An và Bộ Ngoại giao để tìm ra giải pháp. Hoặc, như các doanh nghiệp lữ hành bị các hãng hàng không giữ tiền đặt cọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để tìm cách giải quyết hợp lý nhất cho cả hai bên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp”- ông Chính nêu.

Thứ hai, theo gợi ý từ doanh nghiệp, hiện trong hộ chiếu, có hai trang bị chú được phép ghi bổ sung thêm thông tin. Như vậy, Bộ Công An, Bộ Ngoại giao có thể làm việc với các nước có thể chấp nhận đưa nơi sinh vào phần bị chú để bổ sung vào đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu của nước sở tại. Đây là cách để giúp công dân không bị mất nhiều thời gian khi làm thủ tục cấp thị thực, do xin thị thực đi châu Âu đang rất khó khăn, phải mất từ 1-2 tháng. Như, xin thị thực của Anh mất 52 ngày, Pháp mất 1 tháng.

Thứ ba, với những người được cấp hộ chiếu mới, chưa xin được thị thực, hoặc người có nhu cầu cấp hộ chiếu mới, ông Hoàng Nhân Chính ý kiến, Bộ Công An có thể tạm thời giải quyết cấp hộ chiếu màu xanh lá cây theo mẫu hộ chiếu cũ để tránh rắc rối có thể xảy ra. Các Bộ như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... cũng có thể ngồi lại bàn bạc xem đưa ra các giải pháp lâu dài tốt nhất cho công dân khi sử dụng hộ chiếu mới.

Sau Đức, Tây Ban Nha và đến Cộng hòa Séc tạm dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng đã cho biết đang tiếp tục theo dõi tình hình, riêng các chương trình đoàn khách có liên quan đến quốc gia không chấp nhận hộ chiếu mẫu mới doanh nghiệp sẽ có cách giải quyết phù hợp, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Vì thế, cho đến thời điểm hiện tại, đồng quan điểm với ông Hoàng Nhân Chính, các doanh nghiệp cũng đang rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, du lịch đưa khách ra nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể cho chính nền du lịch cũng như kinh tế Việt Nam. Trong đó, tiền lãi của các công ty lữ hành khi tổ chức tour ra nước ngoài, chi phí vận chuyển (nếu là các hãng hàng không trong nước) trong mỗi chuyến tour cũng không nhỏ...

Không chỉ thế, theo ông Hoàng Nhân Chính, hoạt động du lịch nước ngoài góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân, nâng cao hiểu biết về văn hóa, tìm hiểu kinh doanh của người dân trong nước; làm cho quan hệ của Việt Nam với các nước ngày càng tốt đẹp hơn; đồng thời tạo cơ hội cho người đang đi du lịch có thể tìm ra cơ hội kinh doanh.

Theo Tổng cục Du lịch, tình hình lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người Việt trong tháng 7/2022 vẫn tăng cao ở mức 780% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao khi hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu đang có xu hướng phục hồi.

Các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á vẫn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của du khách Việt Nam. Có tới 6 quốc gia gồm Singapore, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines nằm trong tốp 10 quốc gia được du khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất, trong đó Singapore xếp ở vị trí đầu tiên. Điều này cho thấy các điểm đến gần đang là xu hướng ưu tiên của du khách Việt Nam trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.

Đặc biệt, trong tốp 10 thị trường mục tiêu còn có Úc, Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Về địa bàn, du khách từ TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội có mức độ quan tâm lớn nhất đến tìm kiếm thông tin du lịch nước ngoài.

Hoa Quỳnh (theo Công Thương)