Đối thoại Kinh tế Việt - Đức: Hợp tác trong đào tạo doanh nghiệp

Ngo Huong

Các cơ hội cho thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt - Đức đang được thiết lập.

Tuyên bố chung giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức về Chương trình Hợp tác đào tạo doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2016 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel hôm 19/11/2014 trong khuôn khổ chương trình Đối thoại Kinh tế Việt - Đức. Một biên bản ghi nhớ dự án hợp tác giữa Đại học Giao thông - Vận tải và Công ty Công nghệ giao thông IVU cũng đã được ký kết.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (bên phải) và Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại Kinh tế Việt - Đức

Những động thái này được cho là đang tạo thêm chất xúc tác cho quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư Việt - Đức, dự báo sẽ chuyển dịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngày hôm nay (21/11), Hội nghị Doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương (APK) lần thứ 14 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Hai vị Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Sigmar Gabriel cũng sẽ cùng tham gia hội nghị quan trọng này.

“Việt Nam và Đức đã có mối quan hệ lâu đời, tốt đẹp. Những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt hơn, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam vào mùa Thu năm 2011 của Thủ tướng Angela Merkel, hai bên đã ra Tuyên bố chung Hà Nội về việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. Sang năm tới (2015), hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và đánh giá cao sự phát triển của nền kinh tế Đức, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao - lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.

Hiện tại, các tập đoàn lớn của Đức như Siemens, Bosch, Allianz, Bayer… đã và đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam, và được đánh giá cao khi đã mang tới Việt Nam những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Số liệu thống kê cho thấy, lũy kế tính đến hết tháng 10/2014, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 1,34 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại hai chiều năm 2013 đạt khoảng 8 tỷ USD. Đức hiện là đối tác thương mại hàng đầu trong khu vực châu Âu của Việt Nam.

“Nhiều công ty Đức có năng lực tốt, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo máy, vận tải, tài chính, hóa chất… Họ mong muốn đầu tư ở Việt Nam, tuy nhiên cũng đang xem xét các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực. Tôi cho rằng, việc Việt Nam và EU sắp ký Hiệp định Thương mại tự do FTA, cũng như việc Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP sẽ tạo được những tiến bộ mới trong việc thu hút đầu tư vào Việt Nam”, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel phát biểu.

Để tăng cường thu hút đầu tư, theo Bộ trưởng Sigmar Gabriel, Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. “Ở Đức, các doanh nghiệp đều phải tự đào tạo nhân lực cho mình. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đào tạo các cán bộ cấp cao, cũng như đào tạo nghề cho người lao động”, Bộ trưởng Sigmar Gabriel nhấn mạnh.

Không chỉ là cam kết từ các quan chức Chính phủ, bản thân sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt và Đức cũng đang mang lại những cơ hội phát triển mới. “Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển nhanh, thì cũng sẽ có nhiều hơn nữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức đến Việt Nam”, ông Timo Prekop, thành viên Ban quản trị - Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói và bày tỏ sự kỳ vọng về hiệu quả của chương trình kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp hai bên, tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Đối thoại Kinh tế Việt - Đức.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong 6 nhóm ngành, bao gồm năng lượng, môi trường và y tế; công nghiệp dệt may và hóa chất; điện tử và công nghệ thông tin - truyền thông; ngân hàng - tài chính và tư vấn đầu tư; xây dựng, vận tải và hậu cần; và công nghiệp sản xuất sẽ được gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh.

“Tuần trước, chúng tôi đã ký kết hợp đồng thuê đất với một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam để xây dựng thêm nhà máy của mình tại Việt Nam”, ông Ramon Kuebler, Giám đốc điều hành Công ty B. Braun Việt Nam chia sẻ.

Có mặt tại Việt Nam từ 20 năm trước, B. Braun đang lên kế hoạch đầu tư thêm 270 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 7-9 năm tới. Việc thuê thêm đất có thể là bước khởi đầu cho việc B. Braun thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư nói trên.

Không chỉ B. Braun, mà nhiều doanh nghiệp Đức khác, như DHL, Bosch, Siemens... đều đang mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

“Đức coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN. Dựa vào các chính sách kinh tế linh hoạt và sự ổn định về chính trị, Việt Nam hiện là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu tại ASEAN”, ông Marko Walder, Trưởng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã khẳng định như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo ông, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã luôn hỗ trợ doanh nghiệp Đức đến mở rộng kinh doanh, tìm kiếm đối tác hoặc các địa điểm đầu tư phù hợp tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh doanh tại Đức và châu Âu.

“Tôi rất lạc quan về tương lai hợp tác giữa hai bên, nhất là sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết FTA”, ông Marko Walder nói.

Sưu tầm