Dư nợ trái phiếu hơn 37.000 tỷ đồng, bức tranh tài chính Ngân hàng ACB ra sao?

Admin
Tại ngày 30/9/2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, Mã chứng khoán: ACB) có dư nợ trái phiếu hơn 37.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền của Ngân hàng ACB lại đang ghi nhận âm gần 9.874 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Chất lượng nợ vay có dấu hiệu hiệu giảm sút khi nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 2,3 lần so với hồi đầu năm.

Dư nợ trái phiếu hơn 37.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tính đến 30/9/2022, ngân hàng ACB có 37.080 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng hơn 21% so với đầu năm. Như vậy, sau 9 tháng, đã có thêm 6.500 tỷ đồng trái phiếu của ACB lưu hành.

Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 2 năm ghi nhận gần 12.450 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần so với đầu năm; trái phiếu kỳ hạn 3 năm ghi nhận gần 20.700 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm; trái phiếu kỳ hạn 5 năm và trái phiếu kỳ hạn 10 năm có giá trị xấp xỉ so với thời điểm đầu năm.

Đặc biệt, lượng trái phiếu mà ngân hàng ACB phát hành thời gian gần đây đều có kỳ hạn không quá 2 năm. Điều này cho thấy, khả năng lớn nhà băng này đang thiếu hụt nguồn vốn trung, dài hạn tạm thời.

a1-luong-phat-hanh-trai-phieu-tai-ngan-hang-acb-tu-dau-nam-2022-den-nay-nguon-hnx-1669783025.png
Lượng phát hành trái phiếu tại ngân hàng ACB từ đầu năm 2022 đến nay (nguồn: HNX)

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng ACB đã phát hành 12 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.950 tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 8/2022, ACB đã phát hành liên tiếp 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin về lãi suất, mục đích phát hành,… đều không được ngân hàng công bố.

Trước đó, vào tháng 7/2022, ACB phát hành lô trái phiếu ACBH2223007 có giá trị 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5/2022, ACB phát hành lô 6 lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 7.150 tỷ đồng.

12 lô trái phiếu do ACB phát hành trong năm 2022 đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Và đều do Công ty con của ACB - Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) làm tổ chức đăng ký/lưu ký.

Tháng 9/2022, Tổng Cục thuế TP HCM đã đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai làm giảm số thuế phải nộp. Với các lỗi trên, ACBS bị xử phạt gần 73 triệu đồng, đồng thời bị truy thu thuế số tiền hơn 302 triệu đồng.

anh-1669783025.jpg
ACBS nhiều lần tái diễn hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.

Đáng lưu ý, sai phạm trên của ACBS là hành vi tái diễn nhiều lần bởi Cục thuế TP HCM đã từng ban hành các quyết định xử phạt tương tự với ACBS.

Cụ thể, hồi tháng 2/2021, ACBS đã bị Cục thuế TP HCM xử phạt vi phạm hành chính về thuế với tổng số tiền phạt và truy thu phải nộp là 664 triệu đồng do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo qui định.

Trước đó, năm 2016, ACBS cũng bị phạt hơn 133,4 triệu đồng vì hành vi tương tự. Đồng thời, công ty bị truy thu 911,2 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2009 – 2014 và phạt số tiền chậm nộp hơn 417 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ACBS phải nộp là 1,46 tỷ đồng.

Quý 3/2022, dòng tiền âm gần 10.000 tỷ đồng và nợ xấu tăng đột biến

Hết quý 3/2022, Ngân hàng ACB ghi nhận dòng tiền bị âm nặng và nợ xấu tăng mạnh.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB âm tới 9.692 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 16.295 tỷ đồng; Dòng tiền hoạt động đầu tư âm 181,3 tỷ đồng; Dòng tiền tài chính không phát sinh.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm dòng tiền của Ngân hàng ACB âm 9.873 tỷ đồng, trong khi năm ngoái vẫn ghi nhận mức dương 16.090 tỷ đồng.

a-1669783025.png
Hết quý 3/2022, Ngân hàng ACB ghi nhận dòng tiền bị âm nặng và nợ xấu tăng đột biến.

Không những dòng tiền thuần âm nặng, chất lượng nợ vay của Ngân hàng ACB cũng có dấu hiện đi xuống khi ghi nhận sự chuyển dịch từ Nợ nhóm 3, Nợ nhóm 4 sang Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn).

Tổng nợ xấu của ACB hiện đạt mức 4.056 tỷ đồng, tăng khoảng 45% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang ở mức 3.190,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với hồi đầu năm, chiếm tới hơn 79% tổng nợ xấu của Ngân hàng ACB.

Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) giảm 43,4% xuống mức 304,5 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) giảm 36,4% còn 561,1 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng lên khá cao đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng chung hơn 11% lên mức 2.964 tỷ đồng.

Dù chất lượng nợ vay đáng lo ngại và dòng tiền âm hơn 9.800 tỷ đồng nhưng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB ghi nhận mức tăng trưởng khả quan khi lãi thuần đạt 17.079 tỷ đồng, tăng 20,7% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng 21%; Lãi từ hoạt động khác tăng gấp 12 lần cùng kỳ, thu về hơn 849 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 14% xuống mức 544,5 tỷ đồng; Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm tới 87,4% xuống còn 23,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của Ngân hàng ACB báo lỗ 277,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 388,6 tỷ đồng.