Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã phải hứng chịu 10 gói trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cho đến nay, khối này vẫn chưa đưa ngành năng lượng hạt nhân của Moscow vào danh sách trừng phạt.
Theo tờ Politico, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU đối với than và dầu mỏ của Nga đã định hình lại dòng chảy thương mại năng lượng và khiến Moscow bị giảm doanh thu. Trong khi đó, châu Âu đang chuyển sang dùng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhà cung cấp khác để thay thế khí đốt từ Nga.
Hiện nay, khí đốt Nga chỉ còn chiếm dưới 10% nguồn cung cho EU, thay vì 40% như trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Trong khi lượng nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào châu Âu đã giảm với tốc độ nhanh chóng, thì nhiên liệu hạt nhân lại là một “nút thắt” khó tháo gỡ hơn với các nước thành viên EU.
Lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Paks ở Hungary. Ảnh: AFP |
Theo nghiên cứu của Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân của Nga trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 1 tỷ USD (940 triệu euro) vào năm ngoái. Riêng tại EU, kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga giảm ở một số quốc gia như Bulgaria và Séc nhưng lại tăng ở các quốc gia khác, bao gồm Slovakia, Hungary và Phần Lan.
Bất chấp những lời kêu gọi từ Ukraine, EU hiện vẫn chưa sẵn sàng ra tay với ngành năng lượng hạt nhân của Moscow. Theo Euronews, đối tượng chính mà giới chức Ukraine kêu gọi EU trừng phạt là Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga.
Được thành lập vào năm 2007, Rosatom là một trong những nhà cung cấp uranium làm giàu và lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới. Tập đoàn này đang có 34 dự án xây dựng tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Rosatom cũng đang chịu trách nhiệm kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Ủy ban châu Âu (EC) giải thích việc Rosatom không có trong danh sách trừng phạt của EU là do sự đồng thuận chính trị không đủ cao trong khối.
Trước đó, hồi tháng 9-2022, khi EU đang chuẩn bị đưa ra gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga, nhóm 5 quốc gia gồm Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và Ireland cũng từng đề xuất cấm hợp tác với Nga về nhiên liệu hạt nhân. Cuối cùng, đề xuất này không được thông qua. Việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân của Nga hiện vẫn được miễn trừ hoàn toàn khỏi các lệnh cấm liên quan đến các tàu buôn của Nga trên các cảng tại châu Âu.
Trên thực tế, châu Âu không phụ thuộc vào nguồn cung uranium từ Nga. Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2021, EU đã trả số tiền 71 tỷ euro cho dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Trong khi đó, EU chỉ trả hơn 333 triệu euro cho uranium-235 của Nga, một loại đã được làm giàu dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.
Cùng năm, Nga là nhà cung cấp uranium lớn thứ ba của khối với 19,7% thị phần. Đứng ở 2 vị trí đầu là Niger (24,3%) và Kazakhstan (23%).
Ông Mycle Schneider, điều phối viên của Báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân thế giới, nói với Euronews: “EU không phụ thuộc vào uranium của Nga”. Thay vào đó, ông Schenider lưu ý, sự phụ thuộc của châu Âu nằm ở các lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng.
Tính tới thời điểm hiện nay, 5 quốc gia thành viên EU đang vận hành 19 lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng. Trong đó có 6 lò ở Séc, 5 lò ở Slovakia, 4 lò ở Hungary, 2 lò ở Phần Lan và 2 lò ở Bulgaria. Các lò phản ứng hạt nhân được chia thành hai mẫu VVER-440 (15 lò) và VVER-1000 (4 lò).
Do mẫu VVER được thiết kế và phát triển bởi OKB Gidropress, một công ty con do Rosatom kiểm soát, nên công ty này là nhà sản xuất duy nhất trên thế giới có khả năng bảo dưỡng các tổ hợp nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân nói trên. Việc duy trì các tổ hợp này là một yêu cầu không thể thiếu để bảo đảm các nhà máy điện hạt nhân hoạt động an toàn và hiệu quả.
Mặc dù hai công ty điện lực phương Tây là Westinghouse (Mỹ) và Framatome (Pháp) đã cố gắng thay thế Nga trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan tới lò phản ứng VVER, song họ không thể nhanh chóng đạt được tiến triển trong công việc. Ngoài ra, tại 5 quốc gia đang vận hành các lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng, nhiên liệu hạt nhân chiếm một phần đáng kể trong sản xuất điện.
Việc lò phản ứng Mochovce-3 thuộc dòng VVER ở Slovakia đi vào hoạt động vào tháng 2 vừa qua càng làm sâu sắc hơn mối liên hệ của nước này với ngành năng lượng hạt nhân Nga. Trong khi đó, năm ngoái, Hungary đã thắt chặt quan hệ với Moscow bằng cách cấp phép cho Rosatom xây dựng thêm 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Paks, cơ sở nằm cách thủ đô Budapest 120km về phía Đông.
Động thái này nâng tổng số lò phản ứng do Nga sản xuất tại Hungary lên 6 lò. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Hungary đã cảnh báo rằng nước này sẽ không ngần ngại sử dụng quyền phủ quyết của mình để làm cản trở bất kỳ nỗ lực nào của EU nhằm vào lĩnh vực hạt nhân của Nga.
“Chúng tôi sẽ không cho phép thông qua kế hoạch thực hiện biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh trong một tuyên bố gần đây.
LÂM ANH