Ngày 17/1 tại Hà Nội, Bộ Tài chính Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức, họp phiên thứ nhất Ban Chỉ đạo dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam”.
Với tổng vốn tài trợ 14 triệu euro từ Liên minh châu Âu, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, dự án sẽ góp phần giảm nghèo và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, dự án "Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam" do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ là một phần quan trọng trong việc triển khai Chiến lược tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2030; 3 trọng tâm của Dự án cũng là những ưu tiên của Bộ Tài chính trong thời gian tới.
Đại sứ Liên minh châu Âu Giorgio Aliberti cho biết, Liên minh châu Âu cam kết mạnh mẽ duy trì hỗ trợ phát triển bền vững và bao trùm tại Việt Nam; đồng thời tăng cường quản trị kinh tế, bao gồm quản lý tài chính công, đóng vai trò quan trọng trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và sáng kiến "Thu nhiều hơn - Chi tiêu tốt hơn".
Đại sứ hy vọng dự án này sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và củng cố năng lực thực hiện chính sách kinh tế và tài chính của chính phủ.
Ông Jens Schmid-Kreye, Phó Phòng Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhận định, việc xây dựng tương lai bền vững cho Việt Nam cần sự góp sức của nhiều bên. Dự án kéo dài 4 năm khởi động hôm nay tái khẳng định cam kết lâu dài của Đức trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Với kinh nghiệm sâu rộng có được từ các mối quan hệ đối tác và các sáng kiến chung, bao gồm hợp tác với Bộ Tài chính, Đức cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam củng cố lĩnh vực tài chính công. Một hệ thống quản lý tài chính công vững mạnh sẽ đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế-xã hội lâu dài của Việt Nam, ông Jens Schmid-Kreye cho biết.
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp triển khai dự án trong thời gian 66 tháng, với mục tiêu cải thiện quản lý ngân sách Nhà nước và dự báo nguồn thu; tăng cường quản lý nợ công; và cải thiện môi trường thuế và huy động nguồn thu.