Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê thông tin tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm 2022 và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên Thế giới.
Tác động trực tiếp từ kinh tế thế giới
Tại buổi họp báo Công bố Số liệu Thống kê Kinh tế-Xã hội quý 4/2023 và năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết năm 2023, kinh tế Thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Theo đó, thương mại, tiêu dùng và đầu tư suy giảm, kéo theo hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng…
Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của khu vực và Thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia (trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam) tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tổng cầu thế giới ghi nhận sự suy giảm và tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đây nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022.
Bà Hương chia sẻ Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 12 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2023 của các quốc gia Indonesia, Philipine và Singapore lần lượt đạt 5,0%, 5,7%, và 1,0% (như dự báo trong tháng 9). Bên cạnh đó, tăng trưởng của Malaysia dự báo đạt 4,2%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phầm trăm. Thái Lan đạt 2,5%, điều chỉnh giảm 1,0 điểm phần trăm. Trong khi đó, ADB dự báo Việt Nam đạt mức tăng 5,2% năm 2023 do tăng cường đầu tư công và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhấn mạnh trong bối cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng cùng phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên Thế giới.
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý 4 các năm 2012-2013 và 2020-2022. Đây là xu hướng tích cực với quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%. Khu vực dịch vụ tăng 7,29%.
Về sử dụng GDP quý 4, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước. Tích lũy tài sản tăng 6,21%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68% và nhập khẩu tăng 8,76%.
Trên cơ sở đó, GDP năm 2023 ước tăng 5,05% so với năm trước. Trong tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%. Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế.
Trong khi, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Khiến, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp là 3,02% so với năm trước. Bà Hương chia sẻ đây là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023 và đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Đặc biệt, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu này đạt 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021./.