Giảm gánh nặng chi phí cho người lao động sang Nhật Bản

Nguyễn Ánh Hiền
Thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, từ các kết quả khảo sát, các chuyên gia trong nước và quốc tế tiếp cận rõ thực trạng việc người lao động phải trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ bị cưỡng bức lao động, tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải vướng vào vòng luẩn quẩn nợ nần.

8-laodongnhat-8493-1681439062.jpg

Kiểm tra tay nghề của người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. (Ảnh: MINH THẮNG)

Nhiều chương trình, dự án như Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định hợp tác kinh tế VJEPA đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm hơn 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.

Gánh nặng với người lao động

Theo thống kê, Chương trình thực tập sinh kỹ năng, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến nay, trong hơn 30 năm qua, đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013 lên 82.700 thực tập sinh năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), tăng hơn 8 lần, năm 2022 có gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản. Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản).

Đây là một kết quả rất tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây. Về Chương trình lao động kỹ năng đặc định, hai nước đã ký và chính thức công bố bản ghi nhớ về Chương trình lao động kỹ năng đặc định vào ngày 1/7/2019. Tính đến tháng 12/2022, có hơn 77 nghìn lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập, như: Tình trạng thực tập sinh, người lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo như Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương chia sẻ, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp phái cử Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh; thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định; thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian, môi giới.

Một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu thiết đãi quá mức khi đến Việt Nam, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động; không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận; có những xí nghiệp/ngành nghề tiếp nhận điều kiện làm việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, chủ sử dụng đối xử không tốt, bố trí thực tập không đúng với đăng ký...

Ông Ise Hiroaki, Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA) cho biết: Hiện nay có tới 56% số thực tập sinh tại Nhật Bản là người Việt Nam. Số tiền nợ trung bình đi Nhật Bản của lao động Việt Nam là 670.000 yen (khoảng 120 triệu đồng), cao hơn Trung Quốc, Campuchia và cao gấp 4 lần Philippines.

Theo ông Ise Hiroaki, nguyên nhân khiến các thực tập sinh phải gánh chi phí cao, mang nợ lớn là do có nhiều thông tin sai lệch, còn các hành vi không tuân thủ quy định cấm thu tiền thế chấp, bảo lãnh, về chi phí cho người môi giới đã cấm nhưng nhiều nơi vẫn không tuân thủ. Việc ít có các cơ sở giáo dục, đào tạo tại địa phương khiến người lao động phải gánh chi phí đi lại, ăn ở tại các trường dạy tiếng Nhật ở tận Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, thực tập sinh phần lớn xuất thân từ các khu vực nghèo và càng ở khu vực nghèo thì số tiền nợ này càng lớn. Lý do là do lao động ở các khu vực nghèo thường không tiếp cận được thông tin chính xác, phí môi giới cao, chi phí ở trọ, sinh hoạt đi lại cũng mất nhiều hơn. Khảo sát cho thấy tỉnh Hà Tĩnh là khu vực thực tập sinh và lưu học sinh phải gánh chi phí cao, mang nợ lớn...

Nỗ lực đưa chi phí về “0”

Thời gian qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định Việt Nam sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản năm 2023, diễn ra nhằm mục tiêu tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản, trong đó, có hợp tác không thu phí giữa hai nước với nỗ lực đưa chi phí thực tập sinh kỹ năng đến Nhật Bản về “zero” (bằng 0), đáp ứng tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Nguyên tắc Hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người của Liên hợp quốc.

Tại diễn đàn, bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam với sự hỗ trợ của ILO có tiêu đề “Đo lường chỉ số mục tiêu phát triển bền vững 10.7.1 về chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài” cho thấy, thực tế một lao động di cư Việt Nam phải trả tới 192 triệu đồng Việt Nam (tương đương 8.000USD) để được tuyển dụng công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.

Điều này mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động quy định, “không được tính phí tuyển dụng hoặc các chi phí liên quan hoặc người lao động hoặc người tìm việc phải chịu”. Bà Ingrid Christensen nhấn mạnh việc người lao động trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ bị cưỡng bức lao động, làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí là sau khi kết thúc công việc được tuyển dụng.

Đánh giá cao những nỗ lực điều chỉnh của luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực này, bà Ingrid Christensen cũng cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan hợp tác lao động. Việt Nam cần nhanh chóng xóa bỏ cơ chế tuyển dụng thu phí, thúc đẩy vai trò của các công đoàn, nghiệp đoàn để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho người lao động và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ILO khuyến nghị, cần chuyển chi phí tuyển dụng từ người lao động sang người sử dụng lao động. Số tiền lớn mà người lao động di cư vay nợ để thanh toán cho phí tuyển dụng làm giảm thu nhập từ di cư, thậm chí có thể dẫn người di cư đến nguy cơ mất nhà ở và đất đai.

Theo các tiêu chuẩn quốc tế mà ILO nêu trong Công ước về các cơ quan dịch vụ việc làm tư nhân (số 181), Nguyên tắc chung và Hướng dẫn hoạt động tuyển dụng công bằng của ILO và Hệ thống liêm chính tuyển dụng quốc tế..., cần phải loại bỏ chi phí tuyển dụng của người lao động ở cả quốc gia xuất cư và quốc gia nhập cư.