Giữ đà tăng trưởng dệt may

Tran Huy
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong ba tháng đầu năm đạt gần 10 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng ngành vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi cầu tiêu dùng giảm, hàng tồn kho tăng cao; sự bất ổn về địa chính trị tại một số quốc gia trên thế giới... Để hoàn thành mục tiêu đề ra, doanh nghiệp cần linh hoạt triển khai các giải pháp phù hợp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Thời điểm hiện tại, số đơn hàng tương đối dồi dào, tuy nhiên đơn giá không tăng, thậm chí, có những hợp đồng giảm 30% đến 50% về giá so với năm 2023. Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chấp nhận nhận những hợp đồng này nhằm bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động và duy trì sản xuất.

Ổn định hoạt động

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, tổng doanh thu của đơn vị trong ba tháng đầu năm đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,41% so với cùng kỳ, đạt 25,07% kế hoạch năm 2024. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, doanh thu nội địa hơn 73,1 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lực lượng lao động được duy trì ổn định, với thu nhập bình quân đạt 10,7 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới, May 10 tiếp tục đầu tư, tập trung vào các dự án trọng điểm gồm xí nghiệp May Thái Hà-Thái Bình và mở rộng năng lực sản xuất tại xí nghiệp Bỉm Sơn. Dự báo, đơn vị sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn khi thị trường phục hồi chậm, diễn biến khó lường, mặc dù đơn hàng có phục hồi nhưng giá chưa cải thiện, thậm chí nhiều dòng hàng giá dự kiến trong nửa cuối năm còn thấp hơn mức của năm 2023. Trong khi đó, yêu cầu về tiến độ sản xuất và giao hàng cũng dần rút ngắn lại. “Để ứng phó với những khó khăn, trong hai năm qua, May 10 đã đa dạng hóa các mặt hàng cả về kiểu dáng và chất liệu. Đồng thời, đơn vị đã kết hợp giữa AI và kỹ thuật để duy trì được mức hiệu quả tối đa” - ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Đề cập tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân Nguyễn Đăng Lợi khẳng định: Trong quý I/2024, doanh nghiệp hoạt động ổn định. Cụ thể, với đơn hàng dệt nhuộm, công suất năm nay đã nâng lên hơn 100 tấn/tháng so với 60-70 tấn trung bình của năm 2023. Đơn hàng ngành may cũng đã ký kết đến hết tháng 9 và tiếp tục trao đổi, đàm phán cho quý IV/2024.

Bên cạnh đó, những trang thiết bị cũ từ thập niên 90 của thế kỷ 20 đã được đơn vị tiến hành thay thế để nâng dần quy mô năng lực cũng như vị thế cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục kiên định, hướng tới chỉ thực hiện các đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) từ vải do Đông Xuân sản xuất để gia tăng giá trị và lợi nhuận thay vì phát triển và làm hàng CMT (gia công) - lĩnh vực đang ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Tương tự, lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may-đầu tư-thương mại Thành Công cho biết, trong ba tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị đạt 39 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng sáu quý gần đây, lợi nhuận sau thuế ước tăng 9% lên 2,5 triệu USD. Năm 2023, đơn vị luôn trong tình trạng hoạt động không hết công suất thì đến quý I/2024, công ty nâng công suất lên 100%, hiện tại đã nhận 85% số đơn hàng cho quý II và 80% số đơn hàng cho quý III. Với tình hình khả quan này, đơn vị kỳ vọng hoàn thành mục tiêu doanh thu đạt 3.707 tỷ đồng đề ra.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, ba tháng qua, các đơn vị trong tập đoàn đã bảo đảm việc làm, giữ ổn định lực lượng lao động; tỷ lệ lao động quay trở lại các doanh nghiệp dệt may sau Tết đạt 95%; tổng doanh thu đạt 4.115 tỷ đồng, bằng 23%; lợi nhuận đạt 96,8 tỷ đồng, bằng 17% so với kế hoạch năm; thu nhập bình quân đạt 9,57 triệu đồng/người/tháng, bằng 101% so cùng kỳ…

Xây dựng lộ trình, hướng đi thích hợp

Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, ngành may có dấu hiệu cải thiện về đơn hàng, nhưng hiệu quả chưa cao vì đơn giá vẫn duy trì ở mức thấp như quý III, IV/2023. Trong khi đó, giá bông dự kiến tiếp tục neo cao do đầu cơ, tích trữ, khó khăn logistics; xuất khẩu sợi vào thị trường Trung Quốc khó cạnh tranh hơn do nước này đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thuế, phí, vận chuyển, giá điện,… cho việc sản xuất và tiêu thụ trong nước.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định, để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp dệt may cần triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm đơn hàng, tận dụng nhanh mọi cơ hội cũng như liên tục dự báo, cập nhật tình hình để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; quyết liệt tái cấu trúc tại các đơn vị đang khó khăn trong thời gian dài, nâng cao năng suất, hạ giá thành, áp dụng các giải pháp quản trị tiên tiến; đẩy mạnh triển khai các dự án tăng năng lực sản xuất, như dự án sản xuất vải chống cháy, dự án sợi Nam Định,…

Chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh, bên cạnh những khó khăn, thách thức, thị trường dệt may vẫn có dư địa phát triển cho các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, năng suất, chất lượng vượt trội, liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế số, kinh tế xanh với bước đi phù hợp. Quý I/2024, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị đã cải thiện so cùng kỳ, đặc biệt các đơn vị lớn trong ngành may có mức độ cải thiện hơn 20%.

Thời gian tới, cơ quan điều hành tập đoàn sẽ bám sát thông tin thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trực thuộc để có các giải pháp linh hoạt, đột phá trong phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn.

Phân tích rõ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, mặc dù lượng đơn hàng tương đối nhiều nhưng giá thấp, trong khi các chi phí đều tăng như tiền lương, giá nguyên phụ liệu đầu vào,… Mặt khác, người lao động đang có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường mới mở như Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm cải thiện đời sống cũng là một yếu tố tác động đến việc duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

“Cũng phải kể đến các áp lực khác do chi phí nhiều đơn hàng ở Việt Nam tăng, cho nên các doanh nghiệp nước ngoài lớn có xu hướng thu gọn quy mô, dịch chuyển sang nước khác. Bên cạnh đó, một số thị trường chính bổ sung thêm lượng hàng dự trữ và thực chất, tổng cầu không tăng, thậm chí dự đoán có khả năng giảm 5% đến 10% so với năm 2023. Đó còn chưa kể tới, một loạt các doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang lớn trên thế giới đang đứng trước nguy cơ phá sản khiến nhiều doanh nghiệp trong nước có thể không thu hồi được hàng chục triệu USD tiền công”-ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dương, trong khi giá đơn hàng thấp, chưa cải thiện được tiền lương cho người lao động, nhưng doanh nghiệp lại bị “bó” bởi quy định không được làm thêm giờ, hiện đang làm sáu ngày/tuần, mỗi ngày tám giờ và đang dự kiến giảm xuống còn 40 giờ/tuần khiến doanh nghiệp đã “khó lại chồng khó”.

Trong khi tại Nhật Bản hay một số thị trường khác, người lao động ngày làm việc 10 đến 12 tiếng, liên tục cả tuần để có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. “Ngay cả người lao động trong ngành cũng mong muốn được làm nhiều hơn để có tích lũy, trang trải cho cuộc sống, do đó, cần ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực của người lao động. Bên cạnh đó, những ngành chức năng liên quan cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận để đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất”-ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.

Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 10 tỷ USD, tăng gần 10% so cùng kỳ. Đây là động lực để doanh nghiệp trong ngành hoàn thành mục tiêu đạt 44 tỷ USD trong năm nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã và đang đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, nâng cao quản trị,… nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

BÀI VÀ ẢNH: QUỲNH CHI