Góc nhìn giáo dục: Thấu hiểu nỗi lo chung của nhà giáo

Vũ Xuân Kiên
Sau hai năm rưỡi là người “đứng mũi chịu sào” của ngành giáo dục, có thể chưa trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tạo ra những dấu ấn làm thay đổi diện mạo của ngành giáo dục, vì đây là lĩnh vực xã hội vừa rộng lớn, phức tạp, vừa liên quan đến mọi gia đình nên bất cứ động thái nào của ngành liên quan đến đổi mới đều thu hút sự quan tâm lớn của mọi tầng lớp trong xã hội.

Nửa nhiệm kỳ ngồi trên “ghế nóng”, phần đông đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội ghi nhận ở vị “tư lệnh” này là tinh thần rất tâm huyết, nặng lòng với sự nghiệp “trồng người”, nhất là luôn đau đáu, trăn trở làm sao để củng cố, nâng cao vị thế của “nghề làm thầy”. Bởi thế, ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng, ngày 8/4/2021, ông đã có bức thư gửi các nhà giáo trong cả nước. Trong thư, Bộ trưởng khẳng định: “Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy” và mong muốn: “Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm”.

giao-duc-1693209760.jpg
 

Trung tuần tháng 8-2023 vừa qua, lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng với giáo viên, cán bộ giáo dục, nhân viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Đứng trước khoảng 700.000 nhà giáo tham gia gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến trên các điểm cầu cả nước, Bộ trưởng bày tỏ “sự hồi hộp, căng thẳng vì chưa làm điều này bao giờ”, vì ông chia sẻ thành thật: “Có người khuyên tôi không nên tổ chức sự kiện này vì nhỡ không trả lời được hết ý kiến, mọi người sẽ thất vọng thì sao, hay “nhỡ miệng” thì sao”. Tuy vậy, Bộ trưởng vẫn quyết định tổ chức và nhấn mạnh rằng, cuộc gặp này không phải là việc đối thoại giữa cấp quản lý với người lao động, “mà gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”.

Trước khoảng 6.500 câu hỏi được gửi đến, trong đó có tới 2.000 câu hỏi liên quan đến chính sách nhà giáo, trọng tâm là vấn đề tiền lương, phụ cấp, Bộ trưởng rất thấu hiểu với những ý kiến chính đáng này, nhưng ông cũng tỏ ra thấu đáo khi chia sẻ với các nhà giáo: Số lượng giáo viên chiếm tới 70% số viên chức cả nước, do đó bất cứ sự thay đổi nhỏ nào trong việc cải cách tiền lương nhà giáo cũng phải đặt trong bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và mức thu nhập chung của đội ngũ viên chức các ngành khác.

Điều Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói là có cơ sở. Mặt khác, bản thân ngành giáo dục, nói như Bộ trưởng tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 19/10/2022: “Ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Một là giáo viên, hai là tài chính. Cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn đi kiến nghị, đề xuất”. Khi là “vai vế” người phải đi kiến nghị, đề xuất thì luôn ở vị thế “lép vế”. Đó là cái khó, thậm chí phải nói là “rất khó” đối với ngành giáo dục.

Trước khi là Bộ trưởng, ông Nguyễn Kim Sơn cũng là nhà giáo, nhiều năm soạn giáo án, đứng trên bục giảng và từng chứng kiến bao vui buồn của nghề “bảng đen phấn trắng”. Vì thế, ông thấu hiểu niềm vinh quang và cả bao khó khăn, áp lực, thử thách của nhà giáo mà xã hội đã dành niềm tin và “dồn” cả trách nhiệm nặng nề vào đôi vai của họ.

Thế nên, thông điệp của buổi gặp mặt với khoảng 70 vạn nhà giáo cả nước trước thềm năm học mới, sau khi khẳng định: “Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta; việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp”, vị “tư lệnh” ngành cũng nhắc nhớ các nhà giáo: Để đổi mới giáo dục và đào tạo thành công, thì điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.

Thấu hiểu với nỗi lo chung của nhà giáo, hy vọng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ có nhiều việc làm thiết thực hơn nữa để giữ gìn và phát huy giá trị "tài sản quý giá nhất" của ngành giáo dục.