Nằm trên tầng 2 của khu nhà chính tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội), một góc nhỏ không gian trưng bày về nội dung “Bảo vệ nền độc lập và tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945-1947” gồm nhiều hiện vật quý, giới thiệu một phần khung cảnh của Hà Nội vào mùa Đông năm 1946 - khung cảnh 60 ngày đêm quân và dân Thủ đô bảo vệ Hà Nội. |
Chính giữa không gian trưng bày là tác phẩm điêu khắc phác họa hình ảnh Quyết tử quân - Cảm tử quân Nguyễn Văn Thiềng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch khi chúng tấn công Bộ Tổng Tham mưu của ta trên đường Bà Triệu. Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, ở Hà Nội mùa Đông 1946, có 10 đội cảm tử quân được thành lập với khoảng 100 đội viên. Các chiến sĩ cảm tử quân khi thực hiện nhiệm vụ sẽ được mặc trên mình áo trấn thủ, đeo khăn quàng đỏ, và một điều đặc biệt là sẽ được “truy điệu sống” trước mỗi trận đánh bởi họ sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. |
Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thiềng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch khi chúng tấn công Bộ Tổng Tham mưu của ta trên đường Bà Triệu. Hình ảnh của anh là nguồn cảm hứng để sáng tác bức tượng chiến sĩ cảm tử quân. |
Bom ba càng duy nhất còn sót lại được trang bị cho các chiến sĩ Thủ đô chiến đấu trong 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội mùa Đông 1946, ta thu được từ phát xít Nhật khi chúng rời khỏi Đông Dương và sau đó cũng tự sản xuất được một số. Bom ba càng được coi là biểu tượng của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bởi để đánh được xe tăng, phải áp sát mục tiêu và đâm mạnh quả bom vào xe tăng, khi đó kim hỏa đẩy về phía sau và bom phát nổ. Cách đánh này hiệu quả nhưng rất nguy hiểm cho tính mạng của người đánh bom, các chiến sĩ đánh bom ba càng phải là những người mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. |
Cuộc chiến đấu ở Hà Nội thời bấy giờ diễn ra vô cùng quyết liệt. Khắp nơi hình thành thế trận mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến. Bàn ghế, bao cát, hòm xiểng, thậm chí cả những đồ thờ cúng trang nghiêm như hoành phi, câu đối cũng được đem ra làm vật cản bước tiến quân thù, tường nhà nọ đục thông sang nhà kia, lửa cháy đỏ rực cả thành đô. |
Các khẩu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều như “Độc lập hay là chết!”, “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”... để cổ vũ, khích lệ tinh thần toàn dân kháng chiến. |
Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, Trung đoàn Thủ đô đã được thành lập vào đầu năm 1947, với quân số gần 2.000 người. Trong ảnh, hiện vật số 3 là Huy hiệu “Trung đoàn Thủ đô” được các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đeo trong lễ thành lập “Đội quyết tử” tại rạp hát Chuông Vàng ở Hà Nội ngày 7-1-1947. |
Từ trái qua phải là súng trường Pháp thu được của bọn lính khố xanh năm 1945, đồng chí Tư Râu sử dụng diệt 3 tên Pháp trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến vào tháng 12-1946; súng tiểu liên Sten do xưởng quân giới Nam Định sản xuất năm 1946, Trung đoàn Thủ đô sử dụng chiến đấu tại thành Hà Nội trong những ngày kháng chiến; súng tiểu liên Thompson của các chiến sĩ tự vệ chợ Đồng Xuân, Hà Nội sử dụng diệt 5 tên địch ngày 4-1-1947; súng tiểu liên Mas do Trung đoàn Thủ đô sử dụng chiến đấu tại nhà Sôva, đánh lui 5 đợt tiến công, diệt 15 tên địch ngày 6-2-1947. |
Trận địa pháo ở pháo đài Láng, Hà Nội là nơi những loạt đạn pháo đầu tiên được bắn ra, nã vào trận địa của thực dân Pháp, mở màn cho toàn quốc kháng chiến. |
Do thiếu hụt về vũ khí, trang bị nên các đơn vị dân quân tự vệ phải sử dụng các loại vũ khí thô sơ như giáo mác, cung tên, mã tấu. |
Các tư liệu quý được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam luôn được du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu. |
Sinh viên Đại học Thủy lợi trao đổi với nhau về cách thức sử dụng bom ba càng. Đây là hiện vật gây được sự chú ý đặc biệt từ khi bộ phim “Đào, phở và piano” được công chiếu. |
Mỗi hiện vật, mỗi không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tái hiện lại các sự kiện lịch sử, góp phần tuyên truyền, giáo dục tới các du khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay. |