Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
![]() |
PGS, TS Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Theo PGS, TS Phạm Ngọc Linh, hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 70 cơ quan báo chí, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức, công bố kết quả nghiên cứu, kết nối nhà khoa học với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc lấy ý kiến của các cơ quan báo chí trong hệ thống về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho thấy trách nhiệm xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như thể hiện tiếng nói, đóng góp của các cơ quan báo chí trong hệ thống trong việc xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
TS Lê Công Lương, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhận xét, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Dự thảo Luật đã quy định rõ ràng hơn về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (Chương I), là bước tiến phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện một số khái niệm còn chồng lấn, chưa rõ ràng giữa “sản phẩm báo chí” và “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí” để tránh bị lợi dụng nhằm lách quy định về cấp phép báo chí; cũng như cần bổ sung những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà báo, đặc biệt trong môi trường báo chí số, khi bị tấn công, đe dọa.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Theo TS Lê Công Lương, các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức; thiếu cơ chế chính sách rõ ràng về tự chủ tài chính, xã hội hóa hoạt động tạp chí; chồng lấn về chức năng giữa “tạp chí khoa học” và “tạp chí có tính chất báo chí”. Điều này cũng chưa được phân định rõ trong Dự thảo Luật.
Để định hướng phát triển các tạp chí khoa học, TS Lê Công Lương đề xuất Luật Báo chí (sửa đổi) cần phân biệt rõ giữa Tạp chí khoa học (nơi công bố công trình nghiên cứu, phản biện khoa học) và Tạp chí thông tin chuyên ngành, phổ biến kiến thức. Hai loại hình này có đặc điểm, đối tượng phục vụ và tiêu chí vận hành khác nhau, nên cần quy định phù hợp về cấp phép, tiêu chuẩn nội dung, đội ngũ.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các tạp chí khoa học phát triển theo chuẩn mực quốc tế như: Cho phép xuất bản song ngữ, xuất bản tạp chí trực tuyến theo mô hình Open Access (truy cập mở); hỗ trợ kết nối dữ liệu với các hệ thống trích dẫn khoa học (DOI, Crossref, Scopus); có lộ trình chuẩn hóa đội ngũ biên tập, phản biện độc lập; có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho tạp chí khoa học...