Bí thư Chi bộ 24, Đảng bộ phường Khuê Trung trao đổi với gia đình đã thoát nghèo bền vững. |
Tính đến nay, toàn thành phố còn lại hơn 4.000 hộ nghèo còn sức lao động, trong đó có hơn 900 hộ nghèo còn sức lao động chuẩn Trung ương. Đến năm 2025, thành phố phấn đấu không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của thành phố.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Dù khó để lượng hóa, nhưng nhiều cán bộ làm công tác giảm nghèo đều nhấn mạnh rằng, tình người là chất xúc tác không thể thiếu trong công tác giảm nghèo và cũng là một giá trị đặc trưng của Đà Nẵng. Đứng tại ngôi nhà “3 cứng”, cao tầng của ông Nguyễn Hồng Lữ (tổ 70, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), chúng tôi cảm mến khi biết chủ nhân ngôi nhà từng là hộ nghèo phải cùng vợ và bốn đứa con thơ sống trong cảnh “quen với giọt mưa”. “Tôi vốn là cựu chiến binh, nhờ người thân, khu dân cư và chính quyền địa phương thương tình giúp đỡ mà thoát nghèo”, ông Lữ hạnh phúc chia sẻ.
Đây là một trong những hộ điển hình của mô hình “Mỗi chi bộ giúp đỡ một hộ thoát nghèo bền vững” tại phường Khuê Trung. Bà Trương Thị Kép, Bí thư Chi bộ 24, Đảng bộ phường cho biết, từ năm 2019 đến nay, mô hình đã giúp sáu hộ trong tổ thoát nghèo bền vững bằng nhiều phương pháp vận động gây quỹ như: Mẹ đỡ đầu, bếp ăn tình thương, Tiếp sức đến trường,... thu hút sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng dân cư.
Giúp ngặt chứ không thể giúp nghèo, vì vậy khi có nghị quyết của Đảng bộ phường về triển khai mô hình, chúng tôi đã linh hoạt khi cho “con cá”, khi giúp “cần câu” để họ thoát nghèo bền vững. Quan trọng là mô hình nào bà con cũng hưởng ứng. Chỉ có tự thương nhau mới nhanh thoát nghèo. Bà Trương Thị Kép |
Để công tác giảm nghèo thiết thực và đi vào chiều sâu, bên cạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo từng giai đoạn, nhiều chương trình và chính sách an sinh xã hội đầy nghĩa tình của thành phố cũng đã triển khai đồng bộ từ sớm. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hương, các mục tiêu “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, “Có việc làm”, “Có nhà ở” và “An sinh xã hội” trong Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” mang ý nghĩa bao trùm; cùng với việc thành phố những năm gần đây đã lựa chọn chủ đề năm gắn với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội đã góp phần nâng cao đáng kể cuộc sống của người dân, nhất là hộ nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bên cạnh đó, các chính sách xã hội đặc thù, nổi trội của thành phố cũng được sửa đổi, bổ sung mở rộng về đối tượng, mức hỗ trợ, điều kiện thụ hưởng. Theo đó, thông qua mục tiêu “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, qua mỗi giai đoạn 5 năm, thành phố chọn từ 1.000 đến 2.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất trong số hộ nghèo, để ban hành các đề án, chính sách đặc thù tập trung hỗ trợ như: Trợ cấp hằng tháng với mức 300 nghìn đồng/người/tháng đối với người đang hưởng các chính sách bảo trợ xã hội hiện hành; hỗ trợ 100% lãi suất và hỗ trợ bốn triệu đồng/hộ sau khi thoát nghèo hoàn trả vốn đúng hạn; ưu tiên bố trí và miễn giảm nhà thuê chung cư...
Thực hiện đồng bộ mục tiêu “Có việc làm” và “Có nhà ở”, nhiều người nghèo trên địa bàn thành phố cũng đã có cơ hội an cư lạc nghiệp. “Một trong những dấu ấn đậm nét của các chương trình, chính sách này là đã tạo nên sự thay đổi tích cực về chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo không ngừng được cải thiện”, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách đặc thù của thành phố đã kết thành mạng lưới an sinh bao phủ người nghèo; đồng thời, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu để ổn định chính trị-xã hội, phát triển bền vững.
Điều chỉnh chính sách xã hội thích ứng bối cảnh mới
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố có nơi, có lúc chưa thật sự bền vững. Theo đó, việc vận động người nghèo tham gia học nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động nghèo còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định; các chính sách giảm nghèo bền vững còn ít được chú trọng triển khai; nhận thức giảm nghèo tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng thiếu bao trùm dẫn đến có hộ nghèo chưa nắm được các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Mặt khác, với việc tinh giản biên chế, đội ngũ cán bộ hầu như thay đổi, hoặc kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chính sách, giải pháp giảm nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề có tác động sâu sắc nhất đến đời sống người nghèo trên địa bàn thành phố hiện nay là dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thiên tai.
Những năm qua, do tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang, từ năm 2022 đến quý III/2024, trên địa bàn huyện có 106 hộ nghèo phát sinh, trong đó ngoài việc lao động chính bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y phải điều trị dài ngày,... còn có nguyên nhân gặp sự cố do thiên tai, dẫn đến mất nguồn thu nhập lo cho gia đình, trong khi Hòa Vang là huyện nông nghiệp, phần lớn người dân sống bằng nghề nông.
Ngay cả trong đô thị, các khu dân cư có nhiều người lao động nhập cư, hộ gia đình khó khăn thường là vùng trũng của thành phố, dễ xảy ra ngập lụt. Ông Nguyễn Bé, Tổ trưởng tổ 37, khu dân cư 8 Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) buồn bã nói: “Ở đây, nhiều lao động là vợ chồng trẻ nhập cư, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, mà một năm ba đến bốn trận chạy lụt. Nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, vì lụt thì hư hại tài sản, nước rút thì mất ngày làm để dọn dẹp,... rồi phát sinh dịch bệnh, người nghèo lại thêm luẩn quẩn”.
Trước thực tế đó, từ góc độ chính sách xã hội, thành phố cũng đã lồng ghép một số giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chương trình như: Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp cho người dân khi gặp thiên tai, lụt bão,...; Bên cạnh đó, giảm nghèo bền vững cần có thêm biện pháp cụ thể hơn trong nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng trước bối cảnh biến đổi khí hậu.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, giai đoạn 2024-2025, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản; trong đó năm 2025, sẽ tập trung triển khai thực hiện điều tra hộ gia đình, nghiên cứu, bổ sung các chiều/chỉ số thiếu hụt, nhằm hỗ trợ các đối tượng nghèo, cận nghèo của thành phố cho phù hợp với mức sống chung của thành phố.