Hoàn thành giai đoạn 1 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới

Vũ Xuân Kiên
Chiều 9-2-2023, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố tuần qua. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Tại buổi họp báo, đồng chí Lâm Ngô Hoàng Anh – Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, tiến độ hồ sơ trình UNESCO công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới đã hoàn thành giai đoạn 1, cụ thể: Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, UBND huyện Củ Chi hoàn thành báo cáo tóm tắt di sản Địa đạo Củ Chi và chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong đó, xác định 2 tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí xác định Giá trị nổi bật toàn cầu).

Cũng theo đồng chí Lâm Ngô Hoàng Anh, ngày 9-11-2022, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 4207/UBND-VX gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia về việc đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh mục dự kiến lập hồ sơ Di sản Thế giới.

1-09022023-1676013252.jpg
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.H).

Ngày 28-11-2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản số 4748/BVHTTDL-DSVH gửi đến Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về việc xin ý kiến Báo cáo tóm tắt Hồ sơ khoa học Địa đạo Củ Chi trình UNESCO đưa vào Danh mục dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

Trong giai đoạn tiếp theo UBND thành phố phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tiếp các bước sau:

Sau khi nhận được ý kiến thống nhất của các cơ quan, Bộ Văn hóa và Thể thao Du lịch sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh sách đề cử Dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới.

Nếu hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ thông qua, công việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản sẽ triển khai giai đoạn 2, tiến độ từ 4 đến 5 năm. Như vậy, dự kiến đến năm 2027, UBND thành phố hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.

2-09022023-1676013252.jpg
Đồng chí Lâm Ngô Hoàng Anh – Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: H.H).

Nhiều giải pháp để ổn định thị trường bất động sản

Tại buổi họp báo, đồng chí Vũ Anh Dũng - Phó Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng thành phố cho biết: Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, 2022 chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở tăng thêm của 5 năm là 50 triệu m2 sàn; trong đó năm 2022 là 6,6 triệu m2 sàn. Ước đến hết năm 2022, Thành phố xây dựng hoàn thành 8 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 21,2% so với chỉ tiêu đề ra, diện tích bình quân đạt 21,41 m2/người.

Thị trường bất động sản Thành phố hiện không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm 2022; Thành phố đã đề ra các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư (“dự án ảo”), thiếu hệ thống hạ tầng; Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản được tăng cường kiểm soát; Kịp thời chấn chỉnh các hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngày càng nhiều khó khăn như: vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án chưa được tháo gỡ đồng bộ, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất,...; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do việc kiểm soát chặt chẽ thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu; lãi suất cho vay, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng cao. Do đó, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

3-09022023-1676013252.jpg
Đồng chí Vũ Anh Dũng - Phó Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát biểu (Ảnh: H.H).

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp cần tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương đối với các vấn đề vốn đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản; tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích thực hiện các dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyên giao (BT) hoặc hợp tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị; phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở thành phố, để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Tăng cường kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn đầu cơ, thao lúng, thổi giá; tập trung kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Chỉ đạo các tố chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.