Họp báo công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua

Sáng 11-7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ chín.

Chủ trì họp báo có đại diện các ban, bộ, ngành và Văn phòng Chủ tịch nước.

Tại họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước.

Họp báo công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh. 

Tại họp báo, đại diện bộ, ngành, cơ quan chức năng đã giải thích, làm rõ chi tiết từng luật được công bố; những bổ sung, sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

* Đối với Luật Nhà giáo, Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Những điểm mới nổi bật trong Luật Nhà giáo như: Luật là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề; khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng. Luật Nhà giáo làm rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Luật đã luật hóa quy định về đạo đức nhà giáo với các quy tắc ứng xử cụ thể trong quan hệ với người học, đồng nghiệp, gia đình học sinh và xã hội; quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Luật Nhà giáo cải thiện các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Họp báo công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời tại họp báo. 

* Đối với Luật Việc làm: Luật gồm 8 chương 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Luật quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý nhà nước về việc làm và áp dụng đối với tất cả người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Về nội dung: Luật Việc làm năm 2025 kế thừa các quy định đã được thực hiện có hiệu quả từ Luật Việc làm năm 2013, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, trọng tâm là bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa 4 Nghị quyết đột phá - "bộ tứ trụ cột" đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Họp báo công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua
Quang cảnh buổi họp báo. 

* Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2026. So với Luật Thuế TTĐB hiện hành, Luật Thuế TTĐB năm 2025 có các điểm mới như: (1). Về đối tượng chịu thuế (Điều 2), ngoài những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB kế thừa tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, Luật Thuế TTĐB đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới như: Bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế; quy định điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU (thay cho điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống) thuộc đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung mô tả một số mặt hàng chịu thuế TTĐB (như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay) để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành. (2). Về đối tượng không chịu thuế (Điều 3), ngoài những nội dung về đối tượng không chịu thuế kế thừa tại Luật Thuế TTĐB hiện hành, Luật Thuế TTĐB đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới như sau: Sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài.

Sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng không chịu thuế TTĐB đối với: "Máy bay, trực thăng, tàu lượn, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và máy bay, trực thăng, tàu lượn sử dụng cho các mục đích an ninh, quốc phòng, cứu thương, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, huấn luyện đào tạo phi công, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, sản xuất nông nghiệp". Bổ sung "xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành và chỉ chạy trong phạm vi khu vui chơi, giải trí, thể thao, di tích lịch sử, bệnh viện, trường học và xe ô tô chuyên dùng khác" vào đối tượng không chịu thuế TTĐB. Bỏ quy định "Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ" ra khỏi đối tượng không chịu thuế. Những điểm mới khác như: Về căn cứ và phương pháp tính thuế; về giá tính thuế…

Họp báo công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương trả lời tại họp báo. 

* Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Luật đã sửa đổi, bổ sung 23 điều; bổ sung 1 điều; bãi bỏ 1 điều và 9 điểm, khoản của Luật Quảng cáo.

Theo đó, Luật đã sửa đổi một số khái niệm trong hoạt động quảng cáo nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hiện nay, bao gồm: Quảng cáo; xúc tiến quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; người phát hành quảng cáo; người tiếp nhận quảng cáo; hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và vật thể quảng cáo. Sửa đổi khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn và bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới.

Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Luật quy định rõ yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều kiện quảng cáo; về quảng cáo trên báo nói, báo hình nhằm tăng cường trách nhiệm của người có ảnh hưởng với cộng đồng và xã hội khi tham gia, thực hiện hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng…