Lớp Executive MBA Đèo Cả có sự khác biệt bởi chương trình học được Trường đại học Kinh tế Quốc dân và Đèo Cả phối hợp xây dựng nội dung theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết quản trị điều hành và thực tiễn hoạt động của Đèo Cả. Điều này giúp các học viên nắm bắt kiến thức, nâng cao khả năng ứng dụng trong quá trình vận hành và quản trị doanh nghiệp.
Nhiều môn học, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng cố vấn của Tập đoàn Đèo Cả tham gia dự giờ, đánh giá, góp ý cho học viên, cho chương trình.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2023 giữa Trường đại học Kinh tế Quốc dân và Tập đoàn Đèo Cả. Nhân dịp này, Tập đoàn Đèo Cả và Trường đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục ký hợp tác chiến lược giai đoạn 2023-2028, phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cao cấp, phục vụ công tác điều hành doanh nghiệp và triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông.
Tập đoàn Đèo Cả sẽ tạo điều kiện để sinh viên, học viên của nhà trường tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Hai bên cũng thúc đẩy thực hiện các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ quản lý trong các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh và mục tiêu chiến lược của mỗi bên.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển đến năm 2030, nhà trường khẳng định mô hình tự chủ, tiên phong trong chuyển đổi số, thu hút đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Trong quá trình phát triển, nhà trường ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp với nhiều mô hình hợp tác ở các lĩnh vực của nhà trường. Qua đó, giúp nhà trường đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy và đào tạo theo hướng gắn kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý vào nội dung chương trình giảng dạy.
Với 31 học viên tốt nghiệp ExMBA, các học viên đã vận dụng kiến thức để giải quyết bài toán thực tiễn của doanh nghiệp.
Khi triển khai các đề tài luận văn thạc sĩ, ngoài các yêu cầu bắt buộc theo quy định của chương trình đào tạo, các học viên phân nhóm thực hiện 11 chủ đề xoay quanh phương châm quản trị “Quản người - quản việc - quản lợi nhuận”.
Luận văn được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, có ý kiến đóng góp phản biện của các cố vấn, chuyên gia.
Theo chia sẻ của GS, TS Phạm Hồng Chương, hợp tác trong giai đoạn mới, nhà trường sẽ nghiên cứu mô hình như phát triển đào tạo và nghiên cứu, kết nối 3 bên (giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp), mô hình chuyển giao tri thức,… hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hợp tác trong giai đoạn mới, nhà trường sẽ nghiên cứu mô hình như phát triển đào tạo và nghiên cứu, kết nối 3 bên (giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp), mô hình chuyển giao tri thức,… hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
TGS, TS Phạm Hồng Chương
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đánh giá, từ thực tế cho thấy cần có nền tảng quản trị khoa học khi đeo đuổi mục tiêu, kiên định với chiến lược của doanh nghiệp là điều cần thiết của một nhà quản trị, quản lý cần làm; điều này chỉ có thể chứng minh khi học tập một cách nghiêm túc, có tri thức gắn liền với thực tiễn.
Ông Hồ Minh Hoàng bày tỏ mong muốn cùng nhà trường tiếp tục đổi mới cách thức và nội dung đào tạo, thực chiến hơn nữa,… lấy nhu cầu thực tiễn làm thước đo. Tập đoàn Đèo Cả sẽ xây dựng Quỹ học bổng tài trợ trong lĩnh vực đào tạo nhân sự, cấp cho sinh viên giỏi, được NEU giới thiệu và sinh viên cam kết làm việc lâu dài cho Đèo Cả, thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới, kết cấu mới, biện pháp thi công mới phù hợp với nhu cầu của đơn vị.