Khắc phục hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng

Nguyễn Ánh Hiền
Cùng với đội ngũ y sĩ, bác sĩ tại tuyến cơ sở, những người làm trong lĩnh vực y tế dự phòng có rất nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để y tế dự phòng làm tốt sứ mệnh của mình cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng đội ngũ bác sĩ y học dự phòng.

ta-puong-1-5481-1685586313.jpg

Nhân viên y tế quận Hoàng Mai (Hà Nội) tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân phường Vĩnh Hưng. (Ảnh THANH TRÚC)

Những năm qua, nhân lực y tế dự phòng, trong đó nòng cốt là đội ngũ bác sĩ y học dự phòng và bác sĩ làm công tác dự phòng đã khẳng định được vai trò của mình đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như dịch SARS, cúm A/H5N1, A/H1N1... Đặc biệt trong ba năm ứng phó đại dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng y tế dự phòng luôn ở tuyến đầu chống dịch, họ là những người đầu tiên có mặt tại các “điểm nóng” tham gia sàng lọc, xét nghiệm, phân loại… người mắc Covid-19.

Đóng góp của đội ngũ nhân lực y tế dự phòng là rất lớn nhưng thực tế hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế, nhất là bác sĩ y học dự phòng. Cụ thể như: chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; trong khi đó chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn, điều này làm cho số sinh viên theo học ngành bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm liên tục trong những năm qua. Phần lớn những cán bộ y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong hai năm qua đều là những người công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Khương Anh Tuấn, nhân lực y tế dự phòng nước ta hiện có khoảng 2.204 người làm việc tại tuyến trung ương; 8.637 người làm việc tại tuyến tỉnh, thành phố; 81.824 người làm việc tại tuyến huyện và 57.249 người làm việc tại tuyến xã. So với nhu cầu thì số nhân lực y tế dự phòng hiện nay đang thiếu khoảng 23.800 người, trong đó thiếu khoảng 8.075 bác sĩ y học dự phòng và 3.993 cử nhân y tế công cộng.

Các bất cập trong sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng mà các đơn vị đang gặp phải như: bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề “khám, chữa bệnh thông thường”, nhưng chưa có danh mục kỹ thuật và hoạt động chuyên môn cụ thể thuộc “các bệnh thông thường”; được “khám, chữa bệnh thông thường” nhưng định biên trạm y tế lại không có bác sĩ y học dự phòng. Do chưa có quy định cụ thể về các vị trí chức danh nghề nghiệp đã được mô tả cho bác sĩ y học dự phòng dẫn đến các bác sĩ này chưa được thực hiện đúng vai trò và năng lực chuyên môn tại các cơ sở y tế…

Thống kê của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) hiện cả nước có 32 trường đào tạo bác sĩ, trong đó có 10 trường đào tạo bác sĩ y học dự phòng. Về quy mô đào tạo, theo thống kê năm 2022 cho thấy số nhân lực bác sĩ y học dự phòng tốt nghiệp chỉ bằng 5% tổng số bác sĩ tốt nghiệp; số học viên tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành y học dự phòng đạt 0,8% trong tổng số học viên sau đại học các ngành, chuyên ngành lĩnh vực sức khỏe.

Vấn đề tuyển dụng, sử dụng và quản lý bác sĩ y học dự phòng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nêu rõ: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định: Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Tuy nhiên, thời gian qua đội ngũ viên chức giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng nói riêng và hệ thống y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của bác sĩ y học dự phòng còn nhiều bất cập; chưa có chính sách mạnh nhằm thu hút nhân lực bác sĩ y học dự phòng…

Tại phiên thảo luận ngày 29/5 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tổ chức, bộ máy của hệ thống này thay đổi nhiều qua các năm, nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm; chính sách cho cán bộ y tế chưa tương xứng với nhiệm vụ... Do vậy, nhiệm vụ phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng được đánh giá là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay.

Để công tác y tế cơ sở và dự phòng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, cần đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở tốt; đồng thời đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Nghiên cứu bảo đảm chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước.

Tại hội thảo về công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các kiến nghị với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng văn bản quy định phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ y học dự phòng.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp bậc lương viên chức theo hướng tiếp thu ý kiến của các địa phương, đơn vị cơ sở phù hợp các quy định pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng trong giai đoạn mới.