Khắc phục thách thức do nắng nóng, cung ứng điện ổn định, an toàn

Nguyễn Ánh Hiền
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt dẫn tới hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng ở các hồ thủy điện,… ảnh hưởng tiêu cực việc bảo đảm cung ứng điện trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố phía bắc. Tất cả 12 hồ thủy điện lớn khu vực miền bắc lưu lượng nước về rất kém, nhiều hồ ở mức kém nhất trong 100 năm qua.

a3-4532-1684550439.jpg

Công nhân Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) sửa chữa, tăng năng lực hệ thống để cấp điện an toàn, ổn định.

Trước tình hình nêu trên, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị, địa phương đã chủ động, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định và liên tục, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Hạn hán gây căng thẳng hệ thống điện

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm nay, các hồ chứa lớn trên phạm vi cả nước đều thấp hơn từ 15-40% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa khô được dự báo sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Đến ngày 15/5, đã có 18 trên tổng số 47 hồ thủy điện lớn ở mực nước chết hoặc sát mực nước chết; 20 hồ thủy điện lớn, dung tích nước chỉ dưới 20% như Sơn La (chỉ đủ chạy 2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… Tổng lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện tương đương khoảng 3,18 tỷ kW giờ, thấp hơn gần 1,84 tỷ kW giờ so kế hoạch năm.

Những ngày đầu và giữa tháng 5, khu vực miền bắc và miền trung đón nhận những đợt nắng nóng kỷ lục (Tương Dương-Nghệ An 44,20C ngày 7/5, mức nhiệt cao kỷ lục tại Việt Nam từ trước đến nay), khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến. Ngày 6/5, phụ tải hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục gần 895 triệu kW giờ (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022), công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300MW (cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022).

Theo đánh giá của lãnh đạo EVN, việc vận hành hệ thống điện trong 3 tháng 5, 6 và 7 hết sức khó khăn, hệ thống điện miền bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 đến 4.900 MW. Để cung ứng đủ điện cho nhu cầu phụ tải, từ đầu năm đến nay EVN đã phải huy động các nguồn điện chạy dầu và tiếp tục phải huy động các nguồn này trong các ngày tới.

Tổng công ty Điện lực miền bắc dự báo, sản lượng điện thương phẩm năm 2023 tại 27 địa phương miền bắc tăng khoảng 9% so với năm trước và hệ thống điện miền bắc có nguy cơ thiếu hụt công suất, nhất là từ tháng 4 đến tháng 8/2023. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng dự báo nhu cầu phụ tải điện tăng rất cao cả ở khu vực sản xuất và dân sinh, nhất là các ngày nắng nóng được dự báo sẽ sớm, nhiều và gay gắt hơn mọi năm.

Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Hải Phòng, Hoàng Hữu Trường cho biết, tại Hải Phòng, chỉ mới đầu hè, nhưng sản lượng điện tiêu thụ đã tăng rất cao, ngày 11/5 vừa qua lên tới 24,5 triệu kW giờ. Những ngày nắng nóng đang diễn ra mấy hôm nay, ước sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thành phố có thể lên mức kỷ lục 28 triệu kW giờ, gây nguy cơ mất an toàn hệ thống điện trên địa bàn nếu không có các giải pháp xử lý kịp thời và tích cực.

Những năm qua, Công ty Điện lực Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng truyền tải, vận hành hệ thống lưới điện an toàn. Lãnh đạo công ty khuyến cáo, cùng với nỗ lực của ngành điện, khách hàng cần hợp tác tiết kiệm điện để bảo đảm an ninh năng lượng.

Nhiều chương trình tiết kiệm điện do Công ty phát động trong cơ quan, công sở và các hộ dân đã mang lại hiệu quả tích cực. Thực hiện tiết kiệm điện giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng nguồn điện cung ứng và tối ưu hóa cung cầu, giảm áp lực đầu tư nâng cấp hệ thống điện.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần có giải pháp thiết thực hơn nữa để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Cùng với áp dụng các giải pháp quản trị năng lượng hiệu quả; đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ tiêu hao ít năng lượng, trong thời gian cao điểm nắng nóng, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất việc huy động các thiết bị công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm để bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống điện.

Gần đây, Công ty Điện lực Hải Phòng đã tập trung hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, nâng cấp đường dây 10kV lên vận hành lưới điện 22kV, chống quá tải, nâng cấp các trạm máy biến áp có nguy cơ quá tải do phụ tải tăng cao; thực hiện cân pha, san tải, để tăng khả năng cấp điện cho phụ tải; rà soát lại toàn bộ hệ thống đường dây trung áp và các trạm biến áp,…

Cùng với đó, công ty cũng bố trí nhân lực trực 24/24 giờ xử lý các sự cố gây mất điện, nhanh chóng khôi phục cấp điện lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất…

a4-3342-1684550476.jpg

Các đơn vị thành viên thuộc Công ty Điện lực Hải Phòng triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện cho các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt

Trước tình hình căng thẳng nêu trên, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị triển khai biện pháp cấp bách ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có phương án bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn,...

Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về bảo đảm điện vừa qua, Bộ Công thương đã đặc biệt yêu cầu các đơn vị EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) bằng mọi cách không để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ sản xuất điện, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện. Bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan.

Đối với PVN, TKV, Bộ Công thương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành tin cậy, ổn định các tổ máy phát điện, phối hợp chặt chẽ EVN và các đơn vị liên quan cung cấp khí, than cho nhà máy điện theo đúng kế hoạch và hợp đồng mua bán khí, hợp đồng mua bán than đã ký; xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, khai thác, nhập khẩu hợp lý, không để xảy ra thiếu khí, than.

Tổng Giám đốc TKV, Đặng Thanh Hải khẳng định, TKV sẽ nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ than cho sản xuất điện. Năm 2023, TKV dự kiến tiêu thụ 46,5 triệu tấn than, trong đó, tiêu thụ trong nước hơn 45,1 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, TKV đã chủ động điều hành linh hoạt giữa sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng sản lượng than cho thị trường và bảo đảm than phục vụ cho sản xuất điện. Để cung cấp đủ than cho sản xuất điện, TKV chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh quy định về công tác tiêu thụ than để các công ty con trực thuộc mua than về pha trộn.

Dự kiến, năm 2023, TKV sẽ nhập khẩu gần 9 triệu tấn than phục vụ pha trộn, tiêu thụ than (đến hết tháng 4 vừa qua, TKV đã nhập khẩu 2,7 triệu tấn, bằng 29,7% kế hoạch). TKV cam kết thực hiện hiệu quả giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than, sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, nhất là than cho sản xuất điện.

Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN tập trung vận hành hiệu quả hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu thiết yếu của đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân; phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp các địa phương, khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện.

Để cung ứng cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền bắc trong năm 2023, EVN đã, đang và sẽ thực hiện một số giải pháp: huy động tối đa các loại hình nguồn điện để cố gắng giữ mực nước đến cuối tháng 5/2023, nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện; khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện, các đường dây/trạm biến áp truyền tải; làm việc với các đơn vị cung cấp nhiên liệu và các đơn vị phát điện để có phương án cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện; bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía bắc từ tháng 5 đến tháng 7/2023 để tăng thêm công suất khả dụng nguồn điện.

Bên cạnh đó, EVN sẽ đàm phán với đối tác YNIC (Trung Quốc) để tăng sản lượng, công suất mua trên các đường dây 220kV hiện hữu; đề nghị mua thêm qua các đường đây 110kV nếu có thể; đồng thời, triển khai thủ tục đóng điện đường dây liên kết, thử nghiệm nhà máy điện phía Lào để có thể nhập khẩu thêm điện từ Lào trong tháng 5/2023.

Đối với các dự án nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, thống nhất mức giá tạm thời để vận hành, tiếp tục đàm phán đến khi hai bên thỏa thuận được mức giá điện chính thức nhằm khai thác, cung cấp cho hệ thống điện.

Về năng lực truyền tải, đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện truyền tải, tăng năng lực truyền tải bắc-trung, các công trình đấu nối và giải tỏa nguồn thủy điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền trung, Tây Nguyên; hoàn thiện lắp đặt tụ bù trên lưới điện để bảo đảm điện áp, nhất là tại miền bắc và tăng thêm khả năng truyền tải, khả năng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh việc bảo đảm sản xuất, cung ứng điện ổn định, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là hết sức quan trọng, góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. EVN chỉ đạo tất cả các đơn vị thành viên triệt để tiết kiệm điện, nhất là các tháng mùa khô, cao điểm nắng nóng hiện nay; chỉ đạo các đơn vị phối hợp phân bổ công suất (trong trường hợp hệ thống yêu cầu).