Chúng tôi, những phóng viên TTXVN tại Đức, đã gặp ông Lê Đức Dương vào một buổi sáng mùa Xuân ấm áp, trong khung cảnh yên tĩnh của ngôi nhà nằm cách trung tâm Berlin khoảng 12 km.
Ông đón chúng tôi như những vị khách quý và cũng vừa thân mật như những người quen từ lâu. Sự vui mừng và phấn khởi dường như không giấu được trên khuôn mặt ông, một người mà có cả giọng nói, tính cách đều trẻ trung hơn so với tuổi 80 của mình.
Vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình và công việc, ông vừa dắt chúng tôi đi thẳng vào phòng làm việc dưới tầng hầm. Căn phòng tuy nhỏ, nhưng cảm giác đầu tiên khi bước chân vào lại không hề lạ lẫm, ngược lại rất gần gũi và thân thiện. Không gian được bài trí như một thư viện thu nhỏ, sách vở, tài liệu được lưu trữ một cách khoa học, dễ tìm, những kỷ vật lưu niệm, đặc biệt là những tấm ảnh được chụp cùng Bác Hồ được trân trọng đặt trên kệ, thậm chí cả trên màn hình của chiếc máy tính nơi góc bàn.
Như đã chuẩn bị từ lâu với câu chuyện mà chúng tôi đã đề cập trước khi tới thăm, ông bật máy, mở ngay những bức ảnh mà có lẽ với chúng tôi đó là những tư liệu quý giá không chỉ với những người được chụp mà cả với những người được nghe và ghi chép lại những câu chuyện về Bác Hồ, người cha già, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Ông Dương chia sẻ rằng có thể rất nhiều người được gặp Bác Hồ, nhưng vinh dự gặp Bác cả ở trong nước và nước ngoài thì không phải ai cũng có được may mắn ấy. Đó là một buổi sáng tháng 8/1955, thời điểm đang chuẩn bị cho hành trình du học tại CHDC Đức khi đó, những cô cậu học sinh có trong danh sách lên đường được thầy cô thông báo “mặc quần áo đẹp nhất, chỉnh tề nhất” đến tập trung. Trong lúc vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao có sự đặc biệt này, các anh phụ trách đến và dẫn sang trường Chu Văn An, để từ đó tất cả đi bộ đến Phủ Chủ tịch. Chỉ đến khi vào đến nơi, những cô cậu học trò ưu tú này mới được thông báo hôm nay Bác Hồ gặp để nói chuyện và căn dặn trước khi lên đường sang Đức. Thông tin ấy khiến các bạn nhỏ không kìm được niềm vui và phấn khởi khi reo lên sung sướng.
Rồi tất cả ngồi im lặng, chờ đợi, bất ngờ Bác Hồ đi vào, không ai bảo ai, mọi người cùng đứng dậy vỗ tay, vỡ òa niềm vui khi gặp Bác. Sau câu nói: “Các cháu ngồi xuống”, Bác bắt đầu chuyện trò và căn dặn. Những cử chỉ âu yếm, lời nói ân cần: “Đảng và Chính phủ đã chọn các cháu, cử các cháu đi học, các cháu phải nỗ lực để sau này về giúp đất nước”, nhưng đã in đậm trong tâm thức của cô cậu học trò ngày ấy.
Rồi Bác tặng quà, đơn giản chỉ là chiếc bánh, cái kẹo, nhưng không ai muốn ăn và chỉ muốn giữ cho riêng mình. Với mỗi người, món quà ấy dường như có ý nghĩa tinh thần thật lớn. Ông Dương bồi hồi nói: “Có rất nhiều người trong số các bạn tôi đã cất giữ và mang món quà ấy trong suốt hành trình sang Đức, như một kỷ vật quý giá của Người”.
Ông xúc động kể thêm rằng, ngoài món quà giống các bạn, ông còn tự hào hơn khi được tặng huy hiệu Bác Hồ nhờ những thành tích học tập và nỗ lực xuất sắc. Ông chia sẻ: “Chiếc huy hiệu đó đã đi theo tôi rất nhiều năm tháng, chỉ tiếc rằng nó đã bị thất lạc sau những năm chiến tranh phải di chuyển nhiều nơi”.
Đối với mỗi người Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Bác Hồ dù chỉ một lần trong đời, nhưng đối với ông Lê Đức Dương, niềm hạnh phúc đó lại được nhân đôi khi sau 2 năm học tập tại Moritzburg, bang Sachsen của Đức, ông lại được gặp Bác, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới CHDC Đức theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Wilhelm Pieck khi ấy.
Ông Dương nhớ lại, hôm đó, trong một buổi lễ chào cờ, ông cùng các bạn nhận được thông báo sẽ đón Bác Hồ đến thăm trường Kathe Kollwitz, nơi ông cùng khoảng 350 học sinh từ 9-15 tuổi được gửi sang học tập từ năm 1955. Cùng với sự reo hò, phấn khởi, chờ đợi... trong suốt một tuần, các học sinh Việt Nam ngoài học tập còn nỗ lực tập luyện, dàn dựng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, công phu, từ múa sạp, đến hò kéo pháo..., để đón Bác. Ai cũng muốn cho Bác thấy nỗ lực học tập và rèn luyện như thế nào sau lời căn dặn của Người.
Trong buổi đón tiếp ấy, không chỉ có học sinh trường Kathe Kollwitz mà có cả các bạn trường Maxim Gorki, cùng các anh chị sinh viên đang học ở vùng Dressden lúc đó. Tại đây, Người một lần nữa căn dặn: “Các cháu cứ yên tâm học tập, chăm ngoan, để sau này trở thành người có ích, giúp xây dựng nước nhà”.
67 năm đã trôi qua kể từ lần gặp đầu tiên, ông Dương và những người bạn cùng học thời đó vẫn mang theo mình một hành trang với lời căn dặn của Bác. Ông chia sẻ: “80 tuổi, hơn 60 năm học tập và làm việc, cho đến nay, tôi và các bạn có thể tự hào khi nói rằng đã làm được một trong những lời dạy của Bác, đó là học thật tốt và làm việc thật tốt”.
Với cá nhân ông, sau khóa học nghề về nước năm 1962, ông tiếp tục học tập và thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông trở lại CHDC Đức, học Đại học Kỹ thuật Magdeburg (1965-1970), sau đó trở về nước làm việc gần 20 năm tại Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Cho đến sau này, khi trở lại CHDC Đức vào cuối năm 1988, dù làm việc bất kỳ ở đâu trên cương vị công tác nào, lời căn dặn ngày ấy của Bác: “Người Đức có một đức tính tốt là kỷ luật lao động và đúng giờ, các cháu sang Đức phải học được đức tính đó” vẫn còn nguyên giá trị và theo ông đến tận bây giờ. Ông còn kể những năm làm việc ở quê nhà, ông được mọi người đặt cho cái tên thân mật là “người đúng giờ”.
Vinh dự 2 lần gặp Bác và những kỷ niệm khó quên ấy được ông kể lại nhiều lần, không chỉ với những người Việt Nam mà cả những người bạn Đức sống và làm việc bên cạnh ông những năm tháng sau này. Những ký ức ấy còn sống mãi và sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi người con xa xứ nói riêng cũng như với tất cả những người yêu Việt Nam và biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta nói chung.