Lớn lên nhờ cách mạng, phần 6 – đoạn sau

Lê Quang Vinh
(Tapchivietduc.vn) - Tiếp tục chuỗi nội dung cuốn Hồi ký “ Lớn lên nhờ cách mạng” của cố Thượng Tướng Phùng Thế Tài. Tạp chí điện tử Việt – Đức tiếp tục gửi đến bạn đọc đoạn sau trong Phần 6: "Đi bảo vệ đồng chí Hoàng". Xin mời bạn đọc cùng khám phá nhân vật “ đồng chí Hoàng” này là ai? Và có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời của cố Thượng tướng.

ĐI BẢO VỆ ĐỒNG CHÍ HOÀNG, TIẾP

Từ ga Bi-xi-chai lên Vân Nam còn một ngày đường nữa.

Hôm sau, ba bác cháu lên đường từ sớm. Tôi báo cáo tình hình ở Vân Nam cho Bác nghe, rất tỉ mỉ: bọn Quốc dân đảng tốt xấu ra sao và cơ sở của ta thế nào. Bác nghe rất chăm chú.

Bác quyết định vào nhà đồng chí Tống Minh Phương.

Đồng chí Tống Minh Phương lúc đó là một cán bộ trong hàng ngũ quần chúng của Đảng. Đồng chí mở một cửa hàng thợ may ở ngay thị xã Côn Minh (Sau có mở thêm ở cùng nhà một tiệm cà phê và tiệm ăn). Gia đình đồng chí là một trong những cơ sở tốt của cách mạng ở Côn Minh. Đồng chí đã từng giúp đỡ cán bộ, nuôi cán bộ trong những lúc thiếu thốn, khó khăn. Vợ đồng chí tên là Việt Hoa.

Cửa hàng thợ may ở tầng dưới nhà. Gia đình đồng chí Phương ở tầng gác. Tầng gác có một cái thẻo nhà - nó là một góc của cái gác, hay gọi là gác ngăn ra một khoảnh cũng được - chỉ đủ kê một cái giường. Cái thẻo này có một cửa sổ trông ra sau nhà. Cái nhà hai tầng này, tiếng gọi thì oai, thực ra như một cái hộp con, rất chật. Đồ đạc trong cái thẻo lủng củng, lỉnh kỉnh. Thấy Bác đến, vợ chồng đồng chí Tống Minh Phương thu dọn thẻo, lau chùi rất chu đáo. Ở trên ấy vừa tĩnh, vừa kín đáo, sáng dậy được hít thở ngay không khí trong lành của buổi sớm. Bác ngủ ở đây, làm việc ngay trên giường (trên giường có đặt một cái kỷ nhỏ). Đồng chí Phương làm cho Bác một cái thang riêng nho nhỏ. Lên gác rồi, có thể kéo luôn cái thang lên, giữ được bí mật. Khi cần xuống, Bác lại thả cái thang con xuống. Tôi và đồng chí Minh cũng ở ngay nhà đồng chí Phương để bảo vệ Bác.

Buổi sáng Bác thường xuống đường tập thể dục. Tôi và đồng chí Minh cũng theo xuống. Ba bác cháu cùng rèn luyện thân thể.

Đồng chí Minh ở nhà, tôi đi gặp đồng chí Phạm Việt Tử. Việt Tử báo cáo tình hình hoạt động ở Côn Minh cho tôi nghe. Tình hình nay có khác hồi tôi rời Vân Nam về nước nhà. Bọn Việt nam quốc dân đảng phản động do tên côn đồ Vũ Hồng Khanh cầm đầu hoạt động mạnh. Việt Tử bảo tôi phải coi chừng.

Bác làm việc rất nhiều. Bác gặp các đoàn thể, các tầng lớp ở Côn Minh. Đem nào Bác làm việc tới khuya. Đêm đêm cả nhà đi ngủ rồi, cả thị xã Côn Minh cũng ngủ cả rồi, tôi thì cũng đã đánh được một giấc rồi, bất giác tỉnh dậy vì một tiếng động nhỏ, nhìn lên cái thẻo nhỏ xíu đó vẫn thấy ánh sáng nhàn nhạt của ngọn đèn điện đã bị Bác lấy giấy đen che bớt ánh sáng đi. Ra Bác vẫn cặm cụi với công việc…

Đồng chí Phạm Việt Tử nói không sai. Trong các cuộc họp với quần chúng, với các đoàn thể ở Vân Nam, bọn Việt nam quốc dân đảng phản động thường trà trộn vào để phá thối. Chúng ngồi túm năm tụm ba nói chuyện bô bô, gây mất trật tự trong các cuộc họp. Chúng nói xấu người của ta đứng ra triệu tập họp. Chúng tìm một vài phần tử xấu trong số Việt kiều, gây dư luận xấu về Bác. Bọn thằng Tỵ, thằng Ngọ là bọn bảo vệ chân tay trung thành của tên Vũ Hồng Khanh, ngông nghênh đi vào giữa hội nghị, không còn coi ai ra gì nữa. Tôi đến vỗ vai thằng Tỵ, hất hàm:

- Coi chừng không thì mất mạng! Lơ mơ tao xin một đùi! Muốn sống thì câm cái mồm!

Thằng Tỵ, thằng Ngọ biết tôi từ hồi còn ở Đội thiếu niên dục tài (Hồi ấy tôi đã ngang bướng, không biết sợ là gì). Hai thằng này cũng thừa biết chuyện tôi đến tận trụ sở đảng của chúng đánh cả tên đầu chỏm là Vũ Hồng Khanh… Biết tôi lần này đi bảo vệ Bác, bọn chúng đánh bài lảng. Từ đó không thấy mặt chúng ở các cuộc họp giữa cán bộ Đảng ta và quần chúng cũng như trong các đoàn thể ở Vân Nam nữa.

Việt kiều thấy Bác là một vị cách mạng lão thành, nói ra lý ra lẽ, lại giản dị, khiêm tốn, gần người, nên rất mến Bác. Các cuộc họp tiến hành rất có trật tự và có kết quả tốt.

Bỗng nhiên, một buổi sáng, tôi không thấy Bác dậy tập thể dục. Cứ theo thường lệ thì, sau khi tập thể dục với Bác xong, tôi lên cái gác xinh xắn của Bác, gấp chăn, chiếu và quét tước, lau chùi giường, kỷ (Bác thường bảo tôi để Bác dọn lấy, nhưng tôi không chịu). Mọi bữa, dù hôm trước thức rất khuya, hôm sau Bác cũng dậy sớm tập thể dục.

Tôi chạy lên…

Bác đắp chăn, nằm nghiêng. Bàn tay tôi sờ vào trán Bác: trán Bác nóng hầm hập. Bác ốm rồi! Bác đã có tuổi, lại không được khỏe, đi đường xa mệt nhọc, ăn uống kham khổ, đến đây phải làm việc liên miên. Tôi ứa nước mắt, vừa gọi vừa khóc:

- Bác… Bác ơi!

Bác mở mắt ra, thều thào:

- Không việc gì đâu! Để Bác nằm ngủ tí!

Tin Bác mệt làm tôi, đồng chí Minh và cả gia đình đồng chí Tống Minh Phương lo lắng. Chị Việt Hoa tất tưởi đi tìm thuốc. Bác chỉ cho chị mua mấy ống thuốc tiêm (Chị Việt Hoa định đưa bác đi bệnh viện, nhưng Bác bảo cứ để Bác nằm ở nhà, đi bệnh viện xảy ra bất trắc khó xoay xở).

Chị Việt Hoa rất khéo chân khéo tay, lại làm bếp giỏi. Từ bữa Bác ốm, chị không cho tôi làm bếp chính nữa. Chị trở thành bếp chính (lẽ dĩ nhiên là tôi xuống chân bếp phụ). Sáng sáng, chị lên cái gác nhỏ ấy lau chùi chỗ ở, giặt giũ, ngày ngày cơm nước, thuốc thang rất chu đáo.

Tôi và chị Việt Hoa cùng nấu cơm cho Bác. Tôi đi với Bác lâu, biết được khẩu vị của Bác. Chị Việt Hoa bảo tôi:

- Bác ăn thế làm sao mà khỏe được?

Thế là chị đi chợ, mua sắm. Chị cũng biết tính Bác nên chỉ làm bữa cơm hơi sang một chút thôi, để Bác chóng khỏi bệnh. Nhưng Bác vẫn phê bình chúng tôi là lãng phí, là hoang. Chị Việt Hoa và tôi nhìn nhau như có ý bảo nhau: “Đừng cãi! Nhưng lại cứ thế mà làm!” Chị Việt Hoa thưa:

- Chúng cháu thấy Bác khỏe là chúng cháu vui sướng nhất!

(Đồng chí Minh đến đây lạ nước lạ cái, không am hiểu tình hình, lại không biết tiếng Trung Hoa nên đồng chí ấy cũng đồng ý với tôi là ở nhà, không làm gì cả).

Anh chị Tống Minh Phương giúp đỡ, thuốc thang trong một tháng. Bác dần dần khỏe lại và tiếp tục hoạt động.

Bác lại tiếp tục tuyên truyền giải thích cho quần chúng Hội giải phóng của mình nhiệm vụ đoàn kết, sinh hoạt đều đặn, tích cực giúp đỡ cán bộ, quyên tiền mua súng gửi về chiến khu.

Bác hoạt động ở Côn Minh và Vân Nam đến bốn, năm tháng. Tôi đã thấy nóng ruột. Đang tuổi thanh niên hăng hái, muốn bay nhảy, lại phải ru rú ở căn nhà chật hẹp của anh chị Tống Minh Phương, tôi cảm thấy tù cẳng. Tôi nghĩ đến nước nhà bọn Pháp đang khủng bố đồng bào, Nhật đang cùng Pháp vơ vét thóc lúa, lòng sôi lên. Một hôm, nhân có một mình với Bác, tôi thưa:

- Đề nghị Bác hoạt động nhanh rồi về ạ!

Bác bảo:

- Được!

Kể ra tôi cũng là thằng liều. Bác có công việc của Bác, nhanh hay chậm là tùy ở hoàn cảnh khách quan và chủ quan. Hữu Tài ơi! Anh sốt ruột là tại anh thôi!

Bác bị ốm, thiếu sinh tố, rụng mất mấy cái răng cửa hàm dưới. Nhân tiện ở Côn Minh có cửa hiệu làm răng, tôi định đi lắp răng giả cho Bác. Bác gạt đi và bảo:

- Để tiền cho các đồng chí ốm. Sinh hoạt trong nước rất khó khăn. Ta không nên lãng phí.

Tin Nhật đảo chính Pháp ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945 bay đến Côn Minh làm chúng tôi ngạc nhiên. Bác thì lại như thường. Lúc ấy tôi mới vụt nhớ lại nửa năm trước, trên đường sang Vân Nam, Bác đã từng nói cho tôi và đồng chí Minh biết về vấn đề này. Tôi còn nhớ Bác bảo: “Có thể là Nhật sẽ hất cẳng Pháp. Thằng đế quốc Pháp ở bên này đã suy tàn lắm rồi. Nhật sẽ dùng tay sai để vơ vét, cướp bóc nhân dân ta và đàn áp phong trào cách mạng tàn khốc hơn nữa… Nhưng Liên Xô sẽ thắng… Nhật sẽ bại trận…”

Chúng tôi hỏi Bác về cái tin mới này. Bác phân tích cho chúng tôi nghe về sự phát triển của tình hình, thuận lợi và khó khăn của cách mạng Việt Nam. Tôi lại càng nóng ruột tợn.

Một hôm, Bác bảo chúng tôi:

- Chú Tài và chú Minh, các chú chuẩn bị trước đi. Sang tháng, bác cháu ta cùng về.

Ôi chao! Thật là như được gãi trúng chỗ ngứa! Tôi muốn nhảy lên, ôm lấy cổ Bác mà hôn…

*

* *

Đang giữa mùa xuân năm 1945. Khí trời mát mẻ. Lòng tôi nhẹ lâng lâng.

Anh chị Tống Minh Phương được báo trước một ngày tin Bác lại ra đi. Chị Việt Hoa loanh quanh, tíu tít sắm sửa. Chị rơm rớm nước mắt. Bác dặn lại anh chị Tống Minh Phương:

- Bác về, cô chú ở lại tiếp tục hoạt động. Bác có việc phải về…

Rồi ba bác cháu lên đường.

Tôi quàng hai cái chăn qua vai, một bên sườn lủng lẳng cái ống lương khô, bên kia lúc lắc khẩu súng Chí-chủi. Lớp học trên đường lại bắt đầu.

Đến Bách Sắc, một huyện của tỉnh Quảng Tây, Bác vào gặp tướng Trương Phát Khuê (1) đóng bản doanh ở đó. Ở khu của Trương Phát Khuê ta có một số học sinh theo học trường quân sự quân khu như Hoàng Điền, Trường Khê(2) v.v… Đồng chí Hoàng Điền, đồng chí Trường Khê xin Bác cho về nước. Bác đồng ý cho về cùng. Một số đến hơn một chục học sinh nữa được tin Bác qua cũng đến xin gặp và nói chuyện với Bác. Khi rời khỏi quân khu Trương Phát Khuê, đi cùng với ba bác cháu tôi có Hoàng Điền, Trường Khê và hơn một chục học sinh nói trên.

Cả đoàn trở thành một lực lượng mạnh.

Từ Bách Sắc về đến biên giới mất một tuần lễ. Tôi có nhiều điều suy nghĩ suốt dọc đường. Nhiệm vụ nào Đảng giao cho cũng là vinh quang cả. Nhưng tôi nghĩ: “Mình đang trai trẻ mà không được đánh Tây thì hoài phí cả tuổi trẻ đi”. Tôi tưởng như khẩu Chí-chủi biết nói. Nó bảo tôi: “Này cậu Hữu Tài ơi! Cậu tên là Hữu Tài! Nhưng cậu liệu, cậu… hữu tài nhưng… vô dụng đấy. Tôi sinh ra để nhả đạn vào đầu giặc. Cậu mang tôi từ bấy đến nay, cậu đã làm được những gì nào? Cậu trả lời đi! Hà hà… Cậu chỉ bắn vào cây cối trong rừng. Cậu bắn vỡ được bao nhiêu hòn đá rồi? Thằng Tây nó đầu hàng thằng Nhật rồi! Thằng Nhật đang dùng thằng Tây để đàn áp bóc lột nhân dân ta đấy! Cậu có súng cũng như không có súng mà thôi! Cậu hãy trả tôi cho những người có tâm hồn hơn. Ngươi ta biết dùng súng hơn cậu…”

Tôi cũng biết nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ là Đảng tin tôi nên mới giao cho tôi. Tôi cũng rất mến Bác. Bác là một tấm gương sáng cho tôi noi theo. Xa Bác tôi cũng nhớ, nhớ lắm. Bác hiền dịu, Bác như một người cha. Bố tôi ở nhà cũng không yêu thương tôi bằng Bác. Nhưng “cái thằng tôi” chưa bằng lòng với một công việc “hơi tĩnh quá”. Tôi nghĩ bụng: Giá đồng chí Minh làm việc này thì hợp hơn là tôi. Đồng chí ấy đã hơn ba mươi tuổi, ít nói, chậm chạp nhưng chắc chắn. Thằng Tây làm bố con tôi nghèo đói. Tôi phải tha hương kiếm miếng nuôi thân. Tôi phải giết nó mới hả giận, rửa được thù…

Dọc đường, tôi nói chuyện với Bác xoay quanh vấn đề đánh Tây, đuổi Nhật. Bác hỏi:

- Chú định làm gì?

Mặt tôi lúc ấy chắc là đỏ lắm, tại vì tôi cứ thấy hai tai tôi nóng bừng bừng. Tôi nói thật:

- Cháu đề nghị với Bác cho cháu đi đánh Tây!

Tôi không ngờ đồng chí Minh cũng nói xen vào:

- Cả cháu nữa! Cho cháu đi giết cái thằng Tây!

Thì ra tôi chủ quan, tưởng chỉ có mình trai trẻ mới thích ra trận đánh Tây. Tôi nhìn Minh, định bảo: “Đồng chí ở lại bảo vệ Bác hợp hơn”, thì Bác đã gật đầu, rồi nói:

- Được lắm! Các chú có khí phách như vậy là tốt. Nhưng để về đến nhà đã. Sẽ nói chuyện sau.

Trên đường về, chúng tôi có đông người đi nên Bác nói lại cho chúng tôi nghe chương trình hoạt động của Việt Minh. Bác chú trọng dạy chúng tôi nhiều hơn. Mọi người chuyện trò giòn giã, phấn khởi, chân đi càng hăng.

Núi rừng của Tổ quốc hiện dần ra. Tôi thấy yêu mến lạ lùng từng con đường, từng thôn xóm, cùng những làn khói xanh lam thân thuộc bốc lên từ những mái nhà sàn…

Đoàn chúng tôi về đến biên giới thì gặp đồng chí Lê Quảng Ba ra đón. Tình hình ở đây rất khẩn trương… Chia tay Bác, tíu tít…

Đồng chí Lê Quảng Ba đưa Bác về lán dành riêng để Bác nghỉ. Tôi và đồng chí Minh được đưa về một lán khác. Ở đây, tôi gặp anh Hoàng Hữu Nam(4). Tôi báo cáo với anh về nhiệm vụ bảo vệ Bác đã hoàn thành của chúng tôi và đề nghị anh báo cáo với Bác yêu cầu của chúng tôi xin ra chiến đấu.

Bác cho gọi hai đứa chúng tôi lên. Trong lòng tôi lúc ấy đúng là “trăm mối tơ vò”. Tôi chỉ lo anh Hoàng Hữu Nam không nói hết ý của tôi, lại lo Bác “chỉnh” về cái tính nóng nảy và nông nổi. Thấy chúng tôi vào, Bác gọi tên tôi hỏi ngay:

- Chú Tài! Chú định làm gì?

- Bác cho cháu ra đánh Nhật, đánh Tây!

- Bao giờ chú định đi?

- Bác cho chúng cháu đi đánh ngay! - Tôi nói láu táu nhưng rất dứt khoát.

Bác nói:

- Được! Các chú đã quyết thì Bác cũng đồng ý. Tài và Minh đi công tác sẽ do đồng chí Hoàng Hữu Nam quyết định và phân công.

Đồng chí Hoàng Hữu Nam đứng nghiêm, nhận lệnh.

Bác gọi riêng tôi, bảo ngồi xuống và nói:

- Chú đang tuổi thanh niên. Chú ở với Quốc dân đảng nên ngang bướng và nóng nảy. Đi ra chiến đấu phải dũng cảm trước quân thù, nhưng với anh em, phải khiêm tốn học tập, phải yêu thương họ. Phải thật sự dân chủ.

Rồi Bác đặt kế hoạch cho tôi học tập chính trị và văn hóa. Tôi nhất nhất nghe theo lời Bác dạy. Tôi biết là còn làm nhiệm vụ bảo vệ Bác thì còn tiến bộ nhiều nữa. Từng bước, Bác dẫn tôi đi, như một người cha. Tôi quyến luyến với Bác.

Nhưng tư tưởng đi đánh Tây, đuổi Nhật mạnh hơn. Tôi đã quyết rồi…

*

* *

(1) Trương Phát Khuê là trung tướng, chủ nhiệm chỉ huy sở quân khu, anh em với Trần Bảo Thương.

(2)Hoàng Điền và Trường Khê là đôi bạn rất thân nhau. Trường Khê đi Nam tiến năm 1946 và hy sinh ở chiến trường khu 5. Sau khi được tin Trường Khê chết, Hoàng Điền viết báo hay viết truyện đều ký tên là Trường Khê để tỏ lòng thương nhớ bạn.

(3) Sau Cách mạng tháng Tám đồng chí Hoàng Hữu Nam làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ, mất trong kháng chiến.

Bảo Thơ