Những năm gần đây, hoạt động xuất bản của nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, biến đổi phong phú, song cũng rất phức tạp và có nhiều bất cập, thiếu sót cùng một số biểu hiện thiếu lành mạnh mà phần nào là do còn buông lỏng quản lý, chưa phát huy được vai trò định hướng đến bạn đọc.
Sách “Mấy vấn đề về xuất bản và văn hóa đọc Việt Nam hiện nay” là sự nhìn lại cả một quá trình hoạt động xuất bản trong gần 20 năm qua cho đến hiện tại với những nội dung vẫn còn nguyên tính thời sự, cái làm được và chưa làm được, vai trò và mối quan hệ của xuất bản với việc tạo dựng văn hóa đọc, góp phần xây dựng toàn diện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Qua gần 200 trang sách, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã trình bày khá đầy đủ những vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay trong công tác quản lý để phát triển sự nghiệp xuất bản, phát hành, kinh doanh sách, định hướng, xây dựng phong trào đọc sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, hướng tới một xã hội học tập.
Là tập hợp những bài viết chuyên sâu thời gian qua, cuốn sách đã đề cập khái quát, nhưng tương đối đầy đủ quá trình ra đời và phát triển của sự nghiệp xuất bản cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay cùng vai trò của xuất bản trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là thời kỳ chuyển đổi trong cách mạng công nghiệp 4.0. Quy mô, năng lực và mô hình của xuất bản Việt Nam trong quá trình này được phân tích rạch ròi với những nhận định xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của một nhà lý luận đã có nhiều năm gắn bó với xuất bản.
Theo tác giả, để sự nghiệp xuất bản phát triển trong giai đoạn mới với nhiều xu hướng và yêu cầu của thị trường cũng như của bạn đọc, có ba nội dung cốt yếu, quan trọng nhất đối với xuất bản: Đó là các định hướng cơ bản của Đảng cùng những quy định pháp lý được bổ sung phù hợp; một chiến lược phát triển phù hợp, lâu dài, luôn được đổi mới, bổ sung dựa trên tư duy khoa học nghiêm túc, tổng kết thực tiễn toàn diện, sâu sắc và một năng lực nắm bắt, dự báo đúng những xu hướng, dấu hiệu mới của xuất bản hiện đại.
Cuốn sách cũng nhấn mạnh những nội dung về tính chuyên nghiệp, một yêu cầu bức thiết cần có, giúp thu hẹp khoảng cách không đồng đều về trình độ, năng lực và quy mô hiện đại hóa trong hoạt động xuất bản. Điều này đòi hỏi không những đầu tư về nhân lực, công tác nắm bắt thị trường mà cả trong quy trình xuất bản, nâng cấp trình độ công nghệ. Bên cạnh những mảng sách đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức người đọc, giải trí hay chuyên môn..., tác giả cũng nêu rõ tầm quan trọng trong công tác xuất bản sách lý luận chính trị, khai thác và sử dụng hiệu quả trong tình hình mới.
Cùng với đó là vai trò của công tác biên tập trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động xuất bản và xuất bản phẩm. Một vấn đề quan trọng được đề cập là công tác phát hành sách và kinh doanh sách với những yêu cầu, đặc điểm mới trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng việc xử lý mối quan hệ liên kết này trong hoạt động xuất bản, đưa đến bạn đọc và công chúng sách hay, sách tốt, góp phần định hướng, giáo dục các giá trị chân-thiện-mỹ. Tác giả đi sâu phân tích và từng bước đưa ra những giải pháp hoạt động xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa cùng trách nhiệm cụ thể của các nhà quản lý và hội nghề nghiệp.
Từ thực tế phản ánh và các vấn đề được nêu của hoạt động xuất bản liên hệ với phong trào đọc sách và xây dựng văn hóa đọc, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã từng bước nhận diện về văn hóa đọc hiện nay và các xu hướng biến đổi, đồng thời nêu bật nhiệm vụ xây dựng phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Ông lưu ý mục tiêu của hoạt động xuất bản và phát hành, cần kiên trì, nỗ lực đổi mới để làm sao ngày càng có thêm nhiều bạn đọc với việc nâng cao chất lượng các ấn phẩm, nâng cao chất lượng đọc cùng cuộc vận động xây dựng phong trào đọc sách để đạt tới văn hóa đọc trong cộng đồng, coi đó là chiều sâu của cuộc vận động.
Trong đó, văn hóa đọc thể hiện năng lực và trình độ thẩm thấu, tiếp nhận của người đọc, đọc có chủ đích, làm giàu kiến thức và những cái mà họ có nhu cầu tiếp nhận, từ đó tạo dựng cho mình những kỹ năng, phương pháp đọc. Hoạt động xuất bản cũng phải thấy rõ hơn vai trò của phát hành và kinh doanh là lực lượng nắm vững, thấu hiểu và có thể chỉ ra nhu cầu của người đọc, của xã hội và thị trường đang cần gì, giúp xuất bản quan tâm đến những ấn phẩm phù hợp người đọc hiện đại.
Trong những bài viết chuyên sâu, tác giả đã bàn về mối quan hệ biện chứng giữa xuất bản và phong trào đọc sách, tạo dựng văn hóa đọc và xã hội học tập. Theo đó, cần nắm bắt và dự báo các xu hướng biến đổi việc đọc và văn hóa đọc đang diễn ra, đòi hỏi hoạt động xuất bản phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn.
Những người làm công tác xuất bản phải xử lý được mối quan hệ vừa đáp ứng các nhu cầu mới, đa dạng và cá thể hóa của người đọc, vừa có trách nhiệm định hướng toàn diện về nhân cách con người, làm sao có thể xử lý được mối quan hệ giữa tôn trọng và thực hiện tính đa dạng của các loại sách, của các đề tài mà vẫn bảo đảm cho dòng mạch chính của các xuất bản phẩm, tránh tràn lan các ấn phẩm chạy theo thị trường mà thiếu vắng những xuất bản phẩm đề cập tới các vấn đề lớn của đất nước trên các lĩnh vực trọng yếu, có giá trị lâu dài.
Với thực trạng hoạt động xuất bản phát triển song còn nhiều bất cập, cuốn sách “Mấy vấn đề về xuất bản và văn hóa đọc Việt Nam hiện nay” của GS, TS Đinh Xuân Dũng có ý nghĩa thiết thực, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tham khảo và ứng dụng của các nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực xuất bản