Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng

Tran Huy
Sáng nay 5/9, học sinh, thầy cô giáo tại các trường học trên cả nước cùng hòa chung trong không khí vui tươi, phấn khởi của lễ khai giảng, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025 với nhiều động lực, nhiều quyết tâm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.
Giáo viên, học sinh Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong Lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Giáo viên, học sinh Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong Lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Năm học 2024-2025, chủ đề của toàn ngành giáo dục là “Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có tổng số gần 25,3 triệu học sinh, sinh viên; 1,7 triệu giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động; với gần 54 nghìn cơ sở giáo dục.

Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng ảnh 1

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Đây là năm học ngành giáo dục đặt ra nhiều quyết tâm ở tất cả các cấp học, bậc học. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao là tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo. “Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra” - Bộ trưởng nói tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Cụ thể, ngành giáo dục triển khai nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn…

Năm học 2024-2025 cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là một năm học quan trọng đối với giáo dục phổ thông. Năm học này đánh dấu mốc khép lại một chu trình 4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo từng lớp học, cấp học. Đây là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 vào ngày 5/9, trước đó công tác chuẩn bị đã được các trường học trên cả nước hoàn tất. Các địa phương có hướng dẫn tổ chức khai giảng và triển khai hoạt động đầu năm học trên tinh thần gọn nhẹ, trang trọng, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện từng nhà trường, địa phương.

* Tại Hà Nội, từ 7 giờ các trường bắt đầu tập trung và đón học sinh. Cùng với cả nước, hơn 2.900 trường học với hơn 2,3 triệu học sinh của thành phố hôm nay chính thức bước vào năm học 2024-2025 cùng với lễ khai giảng được tổ chức thống nhất tại các nhà trường theo tinh thần “gọn nhẹ, học sinh là trung tâm, chú trọng đón học sinh đầu cấp, bảo đảm thực sự trở thành ngày hội khai trường của các em”.

Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng ảnh 2

(Ảnh: TRUNG HIẾU)

Năm học vừa qua, giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm, xứng đáng là lá cờ đầu của cả nước.

Nổi bật là trong công tác quản lý, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo hiệu quả các cơ sở giáo dục chấm dứt tình trạng phụ huynh phải xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường. Cùng với đó, công tác chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học, với tỷ lệ đạt 97,6%. Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Nhiều giáo viên Thủ đô là cốt cán trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, các buổi tập huấn. Ngành giáo dục Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, có nhiều nghĩa cử cao đẹp sẻ chia với những đồng nghiệp giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô và cả nước.

Năm học mới 2024-2025 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành giáo dục Hà Nội, quyết định việc thực hiện và hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ thành phố cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Đây cũng là năm học có ý nghĩa thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, đồng thời thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục:

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.


2. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

4. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

5. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

6. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.

7. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

8. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục.

9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

11. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

12. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.