Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta không ngừng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc đấu tranh đã đạt nhiều kết quả cụ thể, quan trọng, khi thông qua điều tra, xác minh đã có nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức bị xử lý kỷ luật, lan tỏa mạnh mẽ hiệu ứng tích cực về quyết tâm lập lại kỷ cương, trật tự trong toàn xã hội và thật sự “đã trở thành phong trào, xu thế”.
Có được kết quả đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tổng kết những nguyên nhân cơ bản, đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của nhân dân. Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí đã tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, quần chúng nhân dân thông qua việc sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tích cực đấu tranh chống các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, những cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn, góp phần quan trọng phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Những nội dung phản ánh, ý kiến góp ý thẳng thắn của nhân dân đã có tác dụng buộc các cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, thái độ ứng xử với công dân. Các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công khai, minh bạch qua các hoạt động tiếp xúc, đối thoại để giải đáp những thắc mắc của nhân dân, làm rõ kiến nghị của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng về việc quản lý quỹ, đầu tư công trình, triển khai dự án…
Tuy nhiên, đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy tình trạng quan liêu, nạn tham ô, lãng phí, nhũng nhiễu, tiêu cực còn diễn ra ở các ngành, các địa phương. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi. Thực tế ấy đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân, góp sức vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy khó khăn, phức tạp này. Trong thực tiễn đời sống đầy sôi động ở khắp mọi miền đất nước, nhân dân “là tai, là mắt” của Đảng.
Bác Hồ từng nói “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Song để điều ấy thực sự là sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần nâng cao hơn nữa hiểu biết, nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân đối với công tác này.
Để phát huy được vai trò, sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết, các cấp ủy, chính quyền cần coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cần giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác này.
Nhưng để thật sự khuyến khích được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong việc tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần có thêm nhiều hình thức tiếp thu rộng rãi hơn sự phản ánh, phát hiện của nhân dân về những sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức để kịp thời đấu tranh phòng, chống tham nhũng như: lập đường dây nóng, hộp thư kín, thực hiện tiếp dân, tăng cường đối thoại với dân…
Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các quyền tố cáo, quyền dân chủ của nhân dân; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và của công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu...
Vai trò của nhân dân, quyền lực của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa để công tác này của Đảng tiếp tục có những bước đột phá.