Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”, tháng 9-2023. Ảnh: QUANG KHÁNH |
Nguy hại nhiều mặt
Với khả năng tiếp cận đông đảo công chúng, lan truyền nhanh, dễ nhân bản nên vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số diễn ra phổ biến với cường độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Từ một mẩu tin, một tập phim cho đến giải đấu tốn hàng triệu USD để sở hữu phát sóng đều có thể bị vi phạm bản quyền thông qua nhiều cách thức: Chiếm đoạt bản quyền; mạo danh bản quyền (các trang web giả mạo điện tử, chỉ khác tên miền); phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền...
Thời gian qua, nhiều báo, tạp chí điện tử muốn tăng doanh thu, uy tín thì phải đưa tin sớm nhất có thể nên họ đăng tải nội dung lấy lại báo khác nhưng ghi nguồn lập lờ, cắt dán nội dung. Cơ quan báo chí vi phạm bản quyền còn dễ xử lý vì có địa chỉ rõ ràng, còn những trang web ẩn danh, máy chủ đặt ở nước ngoài thì rất khó xử lý, đặc biệt là những trang web trình chiếu phim lậu, bóng đá lậu... Điển hình như bộ phim “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trong tuần đầu tiên phát sóng đã có tới 400 trang mạng vi phạm bản quyền.
Tác hại đầu tiên là vấn đề kinh tế báo chí. Số liệu của Công ty Kantar Media Việt Nam cho thấy nghịch lý: Dự kiến, trong năm 2023, “miếng bánh” quảng cáo ở thị trường Việt Nam dành cho các cơ quan báo chí chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng; doanh thu liên quan đến khai thác nội dung báo chí như quảng cáo đang “chảy” về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội sao chép sản phẩm báo chí với trị giá khoảng 80.000 tỷ đồng. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng nền tảng mạng xã hội, ứng dụng video sử dụng tràn lan thông tin và sản phẩm báo chí để sau đó thu lời từ quảng cáo.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng ban Kiểm tra VTV, cho biết: “Tác hại của vi phạm bản quyền không chỉ là thiệt hại về vật chất trước mắt mà còn là uy tín, thương hiệu của cơ quan báo chí. VTV từng bị các đối tác sở hữu bản quyền phát sóng các chương trình giải trí, thể thao hấp dẫn từ chối đàm phán chuyển nhượng vì không thể ngăn chặn hiệu quả việc vi phạm bản quyền”.
Đồng bộ các giải pháp
Mặc dù chưa có những nghiên cứu chính thức, khoa học thực chứng song qua nhiều năm quan sát, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông khẳng định: Đa số cơ quan báo chí, truyền thông lớn ít khi vi phạm bản quyền, chủ yếu là các tạp chí, trang tin điện tử quy mô nhỏ và nhất là các trang mạng “ngoài luồng”. Điều đó dẫn đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, ý thức tôn trọng bản quyền đương nhiên phải tiến hành nhưng không nên quá kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình hình. Bởi lẽ, những người vi phạm bản quyền biết đó là việc sai trái nhưng vẫn cố tình làm, vì đó là cách làm dễ dãi nhất để có sản phẩm mà không cần đầu tư nhiều công sức, tiền bạc.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, cần cả 3 “chân kiềng”: Sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; sự vào cuộc mạnh mẽ và hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; sự hỗ trợ của công nghệ”.
Tại các hội thảo sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 tổ chức gần đây, nhiều kiến nghị về việc cần quy định chi tiết hơn bản quyền trong Luật Báo chí; khuyến khích giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ qua tố tụng tòa án và tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả. Nếu các mức phạt được tăng lên gấp 3, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần thay vì từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng như hiện nay thì chắc chắn sẽ có tính răn đe mạnh hơn.
Các cơ quan báo chí đều có ý thức bảo vệ bản quyền, nhưng nhiều vấn đề khách quan khiến họ nản lòng. Chẳng hạn, thời gian từ lúc gửi hồ sơ đến lúc giải quyết vi phạm bản quyền phim truyền hình Việt trung bình từ 3 đến 5 tuần, trong khi trung bình của thế giới là từ 1 tuần đến khoảng 10 ngày. Một cơ quan báo chí đơn lẻ nếu đi khởi kiện ra tòa dân sự thì phải mất hàng năm trời, tốn rất nhiều công sức. Chính vì vậy, một trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí tương tự như mô hình đã được một số hội văn nghệ triển khai hiệu quả là gợi ý để giới báo chí cả nước chung tay thành lập thay vì chỉ là “liên minh” của một vài tờ báo lớn.
Hiện nay, giải pháp công nghệ cần được ưu tiên hàng đầu. Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hệ thống công nghệ tương đối tốt để giám sát nội dung của mình có bị vi phạm bản quyền không. Hệ thống quản trị nội dung rà quét để biết bài báo của mình bị các báo, các trang nào lấy. Chúng tôi cũng có hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) để nhận dạng nội dung, thậm chí ảnh được phóng viên sử dụng có liên quan bản quyền không, có liên quan đến báo khác không. Nếu phát hiện trang nào lấy bài của mình chạy quảng cáo, chúng tôi sẽ gửi lên Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và được Cục đưa trang đó vào danh sách đen, giúp các nhãn hàng nhận biết và không chạy quảng cáo trên trang đó”.
Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật như: Dùng trí tuệ nhân tạo để nhận diện bản quyền văn bản, âm thanh, hình ảnh, video... Với cơ quan truyền hình, cần có công cụ DAM (digital asset management) để bảo vệ liên quan đến sóng, tiếp sóng qua các ứng dụng OTT, chỉ đơn vị nào được cấp quyền thì mới sáng màn hình...
Đường đi nước bước trong công cuộc bảo vệ bản quyền báo chí đã có thể nhìn thấy rõ. Cần nhất sự kiên trì, đoàn kết, đồng lòng của giới báo chí, nhất là các cơ quan báo chí lớn để bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.