Lĩnh vực công nghiệp vốn được xem là nền tảng của nền kinh tế Đức. Tuy nhiên, ngành này đang bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực khác trong quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19, cũng như các cuộc khủng hoảng khác.
Trong một báo cáo mới đây, công ty kiểm toán và tư vấn PwC cho biết rằng một loạt ngành công nghiệp của Đức đang phải vật lộn để phục hồi sau đợt suy thoái do COVID-19 gây ra, cho thấy triển vọng kinh tế ảm đạm phía trước.
Báo cáo lưu ý khả năng phục hồi của ngành công nghiệp Đức chậm hơn so với mức trung bình của các ngành khác và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây.
Sau khi nghiên cứu mức tăng doanh thu của các công ty kiếm được hơn 500 triệu euro (556 triệu USD) từ năm 2000 đến năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ suất lợi nhuận của các công ty Đức đã bị giảm gần một nửa trong 22 năm qua.
Trong số tất cả các lĩnh vực, lĩnh vực công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn và phục hồi kém hơn dự kiến khi khủng hoảng xảy ra.
Báo cáo cũng cho biết ngành công nghiệp của Đức cần đưa ra một kế hoạch để cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình, một nhiệm vụ khó khăn do ngày càng có nhiều công ty Đức đang trải qua thời kỳ khó khăn.
Một cuộc khảo sát do Hiệp hội các công ty tầm trung (ZGV) tại Đức thực hiện đã mô tả một bức tranh tương tự giữa các công ty quy mô trung bình. Có tới 49% trong số 42.000 công ty được khảo sát đã báo cáo doanh số bán hàng giảm trong quý 2.
Kết quả này phù hợp với báo cáo của viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy niềm tin kinh doanh đang xấu đi. Chỉ số môi trường kinh doanh của Ifo tiếp tục giảm trong tháng 6/2023, giảm từ 91,5 điểm của tháng 5/2023 xuống 88,5 điểm. Niềm tin kinh doanh xấu đi là một dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh tế u ám đang đeo bám.
Một phân tích do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 17/7 dự kiến nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,3% vào năm 2023 do tác động tiêu cực của cú sốc giá năng lượng và các điều kiện tài chính thắt chặt.
Trong khi đó, lạm phát của Đức đã tăng trở lại sau nhiều tháng giảm tốc, đặc biệt tại 5 bang kinh tế quan trọng của Đức gồm Nordrhein Westfalen, Bayern, Brandenburg, Hessen và Baden-Wuerttemberg.
Số liệu sơ bộ của Cơ quan thống kê Liên bang (Destatis) công bố cho biết tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng từ mức 6,1% trong tháng 5 lên 6,4% trong tháng 6/2023, cao hơn dự báo mà giới phân tích đưa ra là 6,3%.
Tại 5 bang trọng điểm, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 6,2% ở bang Nordrhein Westfalen và Bayern, 6,7% ở bang Brandenburg, 6,1% ở bang Hessen và 6,9% ở Baden-Wuerttemberg. Với số liệu trên, tình trạng lạm phát của Đức sẽ còn gập ghềnh phía trước.
Đầu tháng 7/2023, Chính phủ Đức đã thông qua dự thảo ngân sách Liên bang năm 2024, với việc cắt giảm mạnh chi tiêu sau nhiều năm chi mạnh tay để ứng phó với dịch COVID-19 cũng như giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine.
Dự thảo ngân sách này đề xuất mức chi tiêu cho năm tới lên tới 445,7 tỷ euro (485,2 tỷ USD), ít hơn 30 tỷ euro so với mức kế hoạch của năm 2023 này. Mặc dù giảm song mức chi tiêu vẫn sẽ cao hơn 25% so với năm 2019.
Việc cắt giảm các khoản vay mới thậm chí còn quyết liệt hơn khi khoản vay mới dự toán trong năm 2024 là 16,6 tỷ euro, giảm từ mức 45,6 tỷ euro trong năm 2023. Khoản nợ mới này nằm trong phạm vi cho phép của Hiến pháp và "phanh nợ" cũng sẽ được tuân thủ trong năm thứ hai liên tiếp, hạn chế khoản vay mới hàng năm ở mức 0,35% GDP.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đánh giá bản dự thảo là bước quan trọng hướng tới bình thường hoá tài khoá sau nhiều năm ngân sách bị phình to do các khoản nợ mới hàng trăm tỷ euro để đối phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả của xung đột ở Ukraine, khi tất cả các bộ, trừ Bộ Quốc phòng, phải tham gia vào nỗ lực thắt lưng buộc bụng này.
Hiện tại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang nỗ lực hết sức để giảm lạm phát dai dẳng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bằng cách mạnh tay tăng lãi suất. ECB đã tăng lãi suất thêm 400 điểm cơ bản kể từ tháng 7/2022, điều đó có nghĩa là chi phí đi vay trong Eurozone đã tăng hơn gấp đôi.
Với mục đích siết chặt nhu cầu để giảm lạm phát, ECB cũng đã thu hẹp quy mô tái đầu tư trái phiếu đáo hạn mà ngân hàng nắm giữ, khiến các điều kiện tài chính thậm chí còn thắt chặt hơn. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đang không khuyến khích các công ty mở rộng đầu tư.
Một cuộc khảo sát của ZGV cho thấy 27% các công ty được khảo sát có ý định giảm đầu tư trong quý 2, tăng từ mức dưới 9% trong quý 1/2023.
Không có dấu hiệu nào cho thấy chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của ECB sẽ sớm kết thúc. Ngược lại, ECB đã nhiều lần tuyên bố rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt để đảm bảo lạm phát giảm xuống mức mục tiêu là 2%.
Theo dự báo mới nhất của ECB, lạm phát ở khu vực Eurozone vẫn sẽ dao động trên 2% vào năm 2025./.