Ngôi Đình Tây Mỗ - Điểm nhấn văn hóa làng

Lê Quang Vinh
(Tapchivietduc.vn) - Được xây dựng vào thế kỷ XVII. Thờ hai vị Thành hoàng là Long Hải Đại Vương và Ả Lã Nàng Đê, đình làng Tây Mỗ là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, tồn tại như một điểm nhấn của văn hóa làng, thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm và khám phá. Đình hiện nằm trên địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Đình làng là trung tâm văn hóa, là thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt, được xây dựng theo nguyên tắc phong thủy chặt chẽ. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đăng Thục cho rằng, đình làng là linh hồn của làng, hưng thịnh cũng vì hướng đình. Muốn biết vận mệnh của một làng, kẻ hay người dở, tình hình nhân sự của làng hãy xem hướng đình.

Đình làng Tây Mỗ - Nam Từ Liêm - Hà Nội

Kiến Trúc Đặc Sắc

Đình làng Tây Mỗ được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, hướng về phía Nam - Tây Nam. Đình tọa lạc giữa làng, tòa chính điện nằm trên gò đất hình “Ngư long”, mọi người vẫn thường nói là trên lưng “Cụ Cá Chép”. Cá Chép là một loại cá có thể “hóa rồng”, mà rồng là một trong “Tứ linh. Tòa chính điện là nơi diễn ra nghi thức tế, lễ Thành Hoàng làng. Bên trên gian chính điện có 4 chữ: Giang Sơn Hồi Linh. Phía sau chính điện có một miếu nhỏ thờ nữ thần, tương truyền là một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Phía trước cửa đình là nền đình. Nền đình là gò đất cao, rộng, có thảm cỏ xanh mướt, bên phía tay phải nền đình có hai cây gạo to, cao, hàng năm vào độ tháng 2 âm lịch, hoa nở sáng rực cả một vùng trời. Góc phía trước, bên trái là cây hoa sữa, trải qua bao năm tháng, nay vẫn còn tỏa hương. Nền đình hiện nay đã được lát gạch hoàn toàn, không còn như xưa. Tuy sạch, thoáng, song giả như nền đình vẫn còn thảm cỏ xưa thì hợp với phong thủy hơn?

Đình làng Tây Mỗ cũng giống các ngôi đình ở làng quê Bắc Bộ, là trụ sở hành chính của Hội đồng kỳ mục nên trong quần thể kiến trúc của đình có nhà Hội đồng. Để vào nhà Hội đồng, phải đi qua cổng sân đình. Nhà Hội đồng là căn nhà xây, lợp ngói, có một cửa chính, hai cửa sổ trông ra sân đình. Phía Tây nhà Hội đồng có cây bồ hòn mà lũ trẻ con thường lấy nhựa quả giặt quần áo thay xà phòng. Những năm 70 của thế kỷ trước, nhà Hội đồng được dùng làm cửa hàng bách hóa, người dân quen gọi là “Hàng Bà Sủng”. Nhà Hội đồng nay không còn nữa. Có chăng, chỉ còn trong ký ức nhạt nhòa của các bậc lão niên. Đối diện với nhà Hội đồng là 3 gian nhà cầu, ( có người gọi là điếm?) lợp ngói, song không có tường xung quanh, là nơi tuần canh giao ca hoặc ngồi nghỉ sau mỗi lần đi tuần trong làng. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhà cầu được dùng làm nơi làm việc của Tổ Cắt tóc thuộc Hợp tác xã Thủ Công nghiệp làng Tây Mỗ. Sau đó, có thời gian được sử dụng làm nhà bán hàng tạp hóa.

Vào chính điện phải qua tam quan. Trên tam quan có 3 chữ: Tối Linh Từ. Tam quan được xây liền với khu chính điện, phía bên trái so với hướng đình. Nếu chính điện nằm trên lưng cá thì tam quan nằm ở vị trí mang cá. Người đi vào chính điện qua tam quan, chứ không qua cổng đình như các đình làng khác trong vùng. Đây là điềm khá đặc biệt của kiến trúc đình làng Tây Mỗ.

Giếng đình làng Tây Mỗ nằm ở vị trí mắt cá, có độ sâu chừng 7 – 8 mét, được xây bằng gạch, đá kiên cố. Hầu như cả làng đều “ăn nước giếng đình”. Phải chăng nhờ nước giếng đình mà làng Tây Mỗ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt, làm quan? Nay, người dân đã có nước sông Đà, chức năng cấp nước sinh hoạt của giếng đình không còn. Trên miệng giếng đã được đậy lại bằng một tấm lưới sắt.

Chợ Đình xưa nằm ở vị trí đuôi cá và khoảng đất sau đuôi cá, giáp với Chùa Dưới. Khoảng đất này nay là Nhà văn hóa TDP Dưới. Trước đây Chợ Đình họp hàng ngày khoảng từ 9h đến khoảng 11h. Chợ bày bán đủ các hàng hóa thiết yếu song chủ yếu là thực phẩm như rau, cá, thịt, đậu và tạp hóa, … Có cả bễ lò rèn vừa là nơi sửa chữa vừa là nơi làm và bán liềm, hái, dao, kéo,…

Lễ Hội, Di Sản Mang Đậm Dấu Ấn Văn Hóa Làng

Đình là không gian văn hóa thiêng, nơi diễn ra Lễ hội làng. Lễ hội làng Tây Mỗ được tổ chức vào mùa Xuân, ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là dịp dân làng gửi gắm niềm tin, hy vọng vào một năm mới, mong cho “phong đăng hòa cốc, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, người người no đủ”. Lễ hội là sự phô diễn trầm tích Văn hóa Làng với sự tham gia tự nguyện của mọi người. Cứ 5 năm một lần vào những năm chẵn, làng lại tổ chức rước lớn. Những năm lẻ chỉ thực hiện phấn tế, lễ. Phải chăng đây là điều hợp lý bởi như thế sẽ giảm sức đóng góp của dân mà lại tăng sự hấp dẫn vì phải chờ 5 năm mới có hội lớn?

Trong di tích Đình Tây Mỗ, các cấu trúc gỗ được chạm khắc tinh sảo, tỉ mỉ với những hoa văn Tứ Linh, Lân, Cá Chép Vượt Ngũ Môn, Tứ Quý Như Rùa, Phượng Hành Thư,… Mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Văn hóa làng Tây Mỗ được tạo thành bởi nhiều thành tố, song có lẽ Đình làng với chức năng là trung tâm hành chính và trung tâm văn hóa, là điểm nhấn của Văn hóa làng.

Trần Đăng Sinh