Đình làng Tây Am - nơi thờ Danh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu. (Ảnh: TT) |
Vĩnh Bảo, Hải Phòng là vùng đất địa linh nhân kiệt, sinh ra những nhân vật lịch sử, nhân tài cho dân tộc như Danh nhân Văn hóa - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiến sĩ Phạm Đức Khản (Vị Tiến sĩ đầu tiên của Hải Phòng), Đại Danh y Đào Công Chính và Danh nhân - Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu.
Sử sách ghi: Danh nhân - Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu (sinh năm 1456, năm mất chưa rõ), người làng Đoài, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn 4, làng Tây Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Thủy tổ của ông là Định Quốc Công Nguyễn Bặc ở làng Đại Hữu, tổng Đại Hoàng; nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vì tránh nạn nên tổ tiên ông dời về ở Hồng Châu (Vĩnh Bảo ngày nay).
Bàn thờ Danh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu. |
Ông là người hiếu học, thông minh, có trí nhớ tốt, đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương. Tháng 3 năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6, đời vua Lê Thánh Tông (năm 1475), ông dự thi Hội. Tham gia kỳ thi cả nước có tới hơn 3.000 thí sinh, trải qua bốn trường thi chỉ chọn được 43 người vào thi Đình.
Đến ngày 11 tháng 5, cùng năm, nhà vua “ngự điện Kính Thiên, thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa để chọn thứ bậc”. Nguyễn Duy Tiếu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (lúc ông 19 tuổi). Khoa thi này có 27 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (ông được ghi tên thứ 3). Đây là khoa thi thứ năm được tổ chức thời vua Lê Thánh Tông. Họ tên, quê quán và thứ hạng đỗ đạt của vị Tiến sĩ được khắc trên tấm bia đề danh Tiến sĩ hiện còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia đá đề danh Tiến sĩ. Bia đề danh Tiến sĩ Khoa Ất Mùi (1475) ghi tên Nguyễn Duy Tiếu là 7 trong 10 tấm bia được dựng ở đợt đầu tiên này hiện còn lưu giữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhằm thể hiện sự trân trọng nhân tài và sự học, Triều đình nhà Lê cử hành nghi lễ trang trọng xướng danh Tiến sĩ tân khoa và ban yến.
Đình Tây Am. |
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu được Vua Lê Thánh Tông ban cấp cờ có thêu học vị và tấm biển sơn son thếp vàng mặt trước khắc hàng chữ: “Ân tứ vinh quy”, mặt sau khắc tên tuổi thứ hạng đỗ đạt đề tiến sĩ tân khoa cùng mũ áo, phẩm vật, vàng, bạc, lụa màu.
Ông được bổ nhiệm vào Đại lý tự, vinh dự được thăng chức Tự Khanh làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư (Tương đương với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ngày nay). Triều đình nhà Lê sắc lệnh cho địa phương, quê hương Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu tu sửa đường xá, dựng lên những nhà trạm để làm nơi nghỉ dọc đường về cho vị tân khoa.
Sau khi đạt được học vị Tiến sĩ, Nguyễn Duy Tiếu được Triều đình nhà Lê ban ngựa, cấp năm người phu để theo hầu tân Tiến sĩ, đồng thời sắc lệnh cho các quan địa phương cử năm mươi quân lính binh phục đầy đủ để hộ tống tân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu về vinh quy bái tổ.
Sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu trở lại kinh đô Thăng Long (Hà Nội) làm quan. Ông đã tâu xin nhà vua chia làng Đoài thành 3 làng: Tây Am, Vạn Hoạch, Đông Lại (sự kiện diễn ra vào cuối thế kỷ XV, sau khi ông đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê). Do vậy, ở địa phương phải xây cống chung gọi là cống Ba làng “Tây Vạn Lại cống”. Cũng từ đó, có thông lệ “Sinh đồng cư, tử đồng táng”, tức là người dân gốc của 3 làng thì ở làng nào cũng được, khi chết thì chôn ở làng nào cũng được (không bị coi là chôn nhờ).
Không chỉ là nhà chính trị xuất sắc, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu còn là một nhà ngoại giao tài ba có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn và những kinh nghiệm quý báu trong công tác ngoại giao được thể hiện rất rõ trong thời gian làm quan, từng đi sứ nhà Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu cũng là người chủ biên Luật Hồng Đức, ông là người có nhiều công lao trong việc hoàn chỉnh các điều khoản của Bộ “Quốc triều Hình luật” hay còn được gọi là Luật Hồng Đức. Luật Hồng Đức là bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ hiện còn được lưu giữ đầy đủ. Đây có thể coi là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính.
Dù ở vị trí nào, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu cũng mang hết tài năng và tình cảm của mình chăm lo đời sống nhân dân. Khi làm quan, Nguyễn Duy Tiếu nổi tiếng là vị quan đức độ, tiết tháo ngay thẳng, thanh liêm, chính trực, cần mẫn thận trọng, được vua yêu dùng, tận tụy chăm dân, được dân tin yêu, ở đâu cũng có tiếng là có chính sự tốt, không ai dám đem quà biếu để cầu cạnh.
Khi giữ pháp luật của nhà nước thì sớm khuya trung quân, rất lo về việc xét xử bị oan uổng, quá lạm. Mỗi khi xét một việc án thì đều nghiên cứu trước sau, tất cầu không cho việc nghi ngờ, hối tiếc chút nào; hoặc có kẻ nào tình ngay lý gian chưa rõ ràng thì bất đắc dĩ tất xét mà bác đi, không để cho việc hình có oan uổng, quá lạm. Dụng tâm rất thật, lo nghĩ việc tinh tường.
Ông cũng là người đứng ra trùng tu đình chùa, miếu làng Tây Am, hưng công xây dựng đình, chùa thôn Đông Lại và đình làng Vạn Hoạch. Sau khi mất, ông được nhân dân tôn thờ làm Phúc thần.
Sắc phong Thần cho Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu của triều Nguyễn. |
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ hai (1918) Triều đình nhà Nguyễn ban tặng sắc phong Thần cho Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu là Trác vĩ - Dực Bảo Trung Hưng - Thượng Đẳng Thần. Hằng năm, nhân dân biết ơn, tổ chức cúng giỗ tri ân tưởng niệm ông vào ngày 30 tháng 5 âm lịch.
Ngày 14/12/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành quyết định công nhận Đình làng Tây Am thờ Danh nhân - Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu là Di tích Lịch sử.