Ngày 5/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu.
Tại buổi tiếp, hai bên đã thảo luận các nội dung liên quan đến Chương trình lao động kỹ năng đặc định; việc nghiên cứu, sửa đổi quy định liên quan đến tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài tại Nhật Bản; chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản…
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng khi được gặp lại ông Kato Katsunobu tại Hà Nội vào đúng thời điểm hai nước Việt Nam-Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam-Nhật Bản đang từng bước được kết nối lại và có những kết quả tích cực trong thời gian gần đây.
Liên quan đến việc nghiên cứu, sửa đổi quy định tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài tại Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự tin tưởng, với tinh thần cầu thị và nhận định rõ xu hướng phát triển lĩnh vực nguồn nhân lực trên thế giới, phía Nhật Bản sẽ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, để tạo dựng môi trường làm việc cho người bản địa cũng như người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ngày càng tiến bộ, công bằng và hợp lý. Trong đó, cần thực sự bảo đảm các quyền của người lao động nước ngoài về thu nhập, bảo hiểm, các chế độ phúc lợi; bảo đảm các quyền chuyển đổi công việc một cách hợp lý, hài hòa lợi ích của cả người sử dụng lao động và người lao động.
Đối với Chương trình lao động kỹ năng đặc định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có số lượng thực tập sinh và người lao động lớn tại Nhật Bản. Điều này là minh chứng rõ nhất cho sự phù hợp của mối quan hệ lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hy vọng, trong thời gian tới, hai bên sẽ tích cực chuẩn bị tốt cho các kỳ thi kỹ năng nghề, ngoại ngữ, dành cho thực tập sinh và người lao động đi làm việc theo chương trình này.
Còn Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA) được triển khai từ năm 2012. Đến nay, hai bên đã hợp tác tổ chức 11 khóa đào tạo các ứng viên tại Việt Nam, đưa được 1.696 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản. Các ứng viên Việt Nam sau khi sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản được các cơ sở tiếp nhận, viện dưỡng lão ở quốc gia này đánh giá cao về chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, tính cách, ý thức tích cực trong công việc...
“Được biết, hiện nay Nhật Bản đang rất thiếu lao động làm việc trong môi trường điều dưỡng và hộ lý. Tuy nhiên, số lượng ứng viên đăng ký tham gia chương trình liên quan đến nhóm ngành này chưa được cao, do đây là ngành đặc thù mà đòi hỏi người lao động cần có chuyên môn tốt. Do đó, đề nghị phía Nhật Bản cần có các cơ chế đãi ngộ hợp lý, tương xứng hơn để thu hút được nhiều ứng viên Việt Nam tham gia chương trình này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi.
Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón đoàn.
Ông Kato Katsunobu cho biết, hiện nay, Nhật Bản đang triển khai việc nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật hiện hành liên quan đến Chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài sang Nhật Bản thực tập và làm việc (chương trình khung). Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi quy định này, hội đồng chuyên gia Nhật Bản đặc biệt chú ý tới mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, không chỉ đóng góp nhân lực cho Nhật Bản mà còn cho cả quốc tế.
Đối với vấn đề thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định Bộ trưởng Kato Katsunobu chia sẻ, Nhật Bản đang hướng tới xây dựng một hệ thống mới để “bảo vệ và phát triển” nguồn nhân lực.
“Đây được coi là bước ngoặt mới của Nhật Bản trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Chính phủ Nhật Bản về những thay đổi của chương trình thực tập kỹ năng này’’, Bộ trưởng Kato Katsunobu nhấn mạnh.
Cuối buổi tiếp, hai bộ trưởng đã đồng ý với việc phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ thường xuyên trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình hợp tác giữa các bên để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thời gian tới đây.
Nhật Bản vẫn là thị trường lao động hàng đầu tiếp nhận nhiều nhân lực Việt Nam nhất trong năm 2022 với hơn 67 nghìn người.
Các chương trình hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản nổi bật là: chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO); chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM Japan)
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cung cấp lao động kỹ thuật có tay nghề cao, kỹ sư công nghệ thông tin, những người có trình độ đại học và trên đại học trong các lĩnh vực cho Nhật Bản; triển khai Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản…