Số bệnh nhân vào Viện Lão khoa Trung ương cấp cứu những ngày qua tăng gấp ba so với tuần trước, đa số mắc xuất huyết não và viêm phổi nặng.
Cụ ông 75 tuổi, trú tại Tây Hồ, có dấu hiệu nói khó, yếu tay chân, cầm nắm đồ vật không chắc từ sáng sớm, song do thời tiết khắc nghiệt, đến chiều, gia đình mới đưa ông vào viện. Lúc này, bệnh nhân hôn mê, tổn thương não, suy hô hấp nặng, nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết người bệnh lớn tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường kèm thêm thời tiết nắng nóng là yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến. Cụ ông nhập viện muộn nên biến chứng càng nặng nề.
"Tuy đã qua giai đoạn nguy kịch, song người bệnh bị liệt nửa người nên cần thời gian dài để phục hồi chức năng", bác sĩ nói.
Trường hợp khác là bệnh nhân nữ 72 tuổi, ăn uống kém, tiền sử đái tháo đường. Vài ngày nay, người bệnh mệt mỏi, chỉ nằm một chỗ, bỏ ăn nên gia đình đưa vào viện. Theo bác sĩ, cụ bà không thể ăn uống, lượng thức ăn giảm dần trong khi vẫn duy trì thuốc đái tháo đường như trước, dẫn đến biến chứng hạ đường huyết, nhập viện hôn mê. Bác sĩ chỉ định bù nước, truyền dịch, tăng đề kháng cho bà. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Đây là hai trong số 40 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương - con số cao gấp ba so với ngày thường, hơn một nửa là ca nguy kịch, cần can thiệp hồi sức. Hai nhóm bệnh nhân điển hình trong thời tiết nắng nóng là xuất huyết não và viêm phổi nặng gây suy hô hấp. Bệnh nhân xuất huyết não thường có bệnh nền tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, nhập viện trong tình trạng nặng. Có trường hợp thường xuyên uống thuốc kiểm soát bệnh nền, song vẫn bị xuất huyết não chỉ sau khi đi nắng. Đột quỵ nhiệt cũng là một trong những cấp cứu thường gặp, gây tổn thương não, cơ bắp và các cơ quan nội tạng.
"Ngoài ra, thời tiết ngày nắng gắt, đêm mưa dông cũng là điều kiện bùng phát bệnh truyền nhiễm, sốt virus,... ở cả người lớn và trẻ nhỏ, cần đề phòng", bác sĩ nói.
Tương tự, Khoa Cấp cứu và Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tuần qua cũng trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân tăng 20 đến 30%. Khoảng trưa chiều, xe cứu thương liên tục còi hụ, báo hiệu có bệnh nhân mới. Trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 100 ca mới, hơn 50% người bệnh mắc bệnh lý hô hấp, viêm phổi nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính... Một kíp trực khoảng 10 y bác sĩ "luôn tay, luôn chân" không nghỉ để kịp thời xử trí biến chứng cho người bệnh.
Còn Bệnh viện Hữu nghị tiếp nhận từ 30 đến 35 người già nhập viện một ngày do nắng nóng. Bệnh viện Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn... cũng ghi nhận số ca tăng, đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền.
Để phòng ngừa bệnh mùa nắng, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài từ 10-16h, nhất là người già và trẻ nhỏ. Những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Sử dụng điều hòa hợp lý, nhiệt độ 27-28 độ C, giữ môi trường thông thoáng, dùng thêm quạt thay cho điều hòa. Uống nhiều nước, hoa quả, bổ sung điện giải nhiều hơn bình thường.
Người cao tuổi nên tập thể dục và tập vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên, vào những ngày nền nhiệt dự báo khoảng 39-40 độ, những người này không nên ra ngoài tập thể dục. Các cụ có thể tham khảo các bài tập tại nhà qua mạng internet với những bài tập chỉ cần sử dụng diện tích 2-3 m2.
Khi thấy có các dấu hiệu như thân nhiệt tăng cao, tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu..., người dân nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang chịu đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ trong ngày thường xuyên 38 đến 40 độ C. Dự báo trong vài ngày tới, thành phố có thể có mưa dông.
Thùy An
Nguồn: Vnexpress.net