Những điểm mới trong quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Tran Huy
Quy định mới về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình xét tặng.
Trao danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" tặng các thầy giáo, cô giáo tại Điện Biên (Ảnh: Lê Lan)
Trao danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" tặng các thầy giáo, cô giáo tại Điện Biên (Ảnh: Lê Lan)

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024 (Nghị định số 35) quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (NGND, NGƯT).

Tại Nghị định số 35 có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đặc biệt yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Quy định rõ hơn cách tính thời gian, nhóm đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng

Nghị định số 35 quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành giáo dục; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trong thời gian giữ chức vụ quản lý, có tham gia nuôi dạy, giảng dạy đủ định mức tối thiểu theo quy định thì được tính thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy và được quy đổi theo các mức cụ thể.

Căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định số 35 chia thành 7 nhóm đối tượng thống nhất ở cả tiêu chuẩn NGND và tiêu chuẩn NGƯT để xây dựng tiêu chuẩn theo 7 nhóm đối tượng.

Quan tâm nhóm đối tượng đặc thù

Một điểm mới đặc biệt trong Nghị định số 35 là xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Bổ sung tiêu chuẩn đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 1 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét.

Bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo

Nghị định số 35 bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo. Cụ thể như: Biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác.

Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi…

Những điểm mới trong quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú ảnh 1

Các nhà giáo dự sự kiện "Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" tháng 8/2023

Đối với tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, hiện nay không phải trường đại học nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là đối với các trường đại học tư thục, trường đại học trực thuộc địa phương. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; hoặc hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc nhà giáo có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải (hoặc khen thưởng) cấp trường trở lên… nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương, tư thục có cơ hội tham gia xét tặng.

Quy định rõ về sáng kiến để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh cho phù hợp với các quy định về điều lệ sáng kiến và Luật Thi đua, khen thưởng (Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định là sáng kiến do cấp trên trực tiếp quản lý công nhận). Bổ sung sáng kiến do Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong ngành tương đương sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành tỉnh (theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, là đơn vị có nhiều đặc thù trong công tác công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến).

Cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình xét tặng

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được xét tặng, cũng như các cấp hội đồng.

Chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp bộ/ban/ngành/tỉnh/đại học quốc gia, cấp Nhà nước). Không quy định việc thành lập Hội đồng xét tặng nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, đơn vị; việc lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai hồ sơ, xác nhận hồ sơ, đánh giá uy tín, tầm ảnh hưởng của nhà giáo sẽ do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị thực hiện nhằm giảm bớt 1, thậm chí có hồ sơ nhà giáo giảm được 2 cấp hội đồng trong quá trình xét tặng.

Điều chỉnh Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng đại học quốc gia đề nghị trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, không qua Hội đồng chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm sự công bằng về số lượng cấp hội đồng đối với nhà giáo thuộc bậc học mầm non, phổ thông so với các bậc học khác.

THANH XUÂN