Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Cuộc họp được truyền trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các địa phương có tuyến Đường dây 500kV mạch 3 đi qua.
Bộ Công thương cho biết, về công tác bảo đảm cung ứng điện năm 2024, 2025 và các năm sau: tình hình cung ứng điện 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện lũy kế ước thực tế 5 tháng đầu năm 2024 khoảng 124,1 tỷkW giờ, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài 3 miền đã ở cả làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục (công suất cực đại toàn quốc đạt tới 47.670MW, tăng 13,2%, sản lượng ngày đạt 987,39 triệu kW giờ cao hơn 6,87% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn các tháng đầu năm không thuận lợi, để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Kết hợp giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền nam, miền trung hỗ trợ cho miền bắc, cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, bảo đảm đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước.
Chủ tịch hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An phát biểu. |
Về tình hình cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2024: ngày 3/4, Bộ Công thương đã tổ chức họp rà soát với các đơn vị về kế hoạch cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024. Trên cơ sở cập nhật của EVN, ngày 19/4, Bộ Công thương đã phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung ứng điện cao điểm mùa khô, cũng như cả năm 2024 tại Quyết định số 924/QĐ-BCT cũng như cho các tháng còn lại của năm 2024, bảo đảm bám sát tình hình thực tế. Kết quả tính toán cân đối cung-cầu năm 2024 theo Quyết định số 924/QĐ-BCT được cập nhật như sau:
Về cân đối sản lượng điện: với định hướng sử dụng tiết kiệm nước các hồ thủy điện ngay từ cuối năm 2023 và quý I/2024, tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện tại thời điểm báo cáo quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ kW giờ. Đây là nguồn dự phòng về điện năng cho thời gian cao điểm sắp tới. Cùng với việc chủ động trong chuẩn bị cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than đã được các đơn vị thực hiện tốt, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm 2024.
Về cân bằng công suất: miền trung và miền nam đáp ứng được cân bằng công suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống điện miền nam, các nguồn linh hoạt như chuyển dầu, bổ sung khí LNG cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí hoặc bảo đảm khả dụng dầu và khí LNG, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu sẽ phải huy động để đáp ứng phụ tải đỉnh; miền bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (tháng 6 đến tháng 8) trong trường hợp các yếu tố bất lợi xếp chồng như lưu lượng nước về kém, sự cố các nhà máy điện kéo dài.
Đánh giá chung: với các giải pháp nêu trên việc cung cấp điện năm 2024 cơ bản được bảo đảm. Đối với các năm tiếp theo: trong thời gian tới, sau khi Đường dây (ĐZ) 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền trung và miền nam. Tuy nhiên, với dự kiến tăng trưởng phụ tải (điện năng/công suất) đạt 10% mỗi năm, việc cung-cầu của khu vực miền bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than (đã vận hành nhiều năm). Do vậy, việc bổ sung sớm nguồn điện mới (đặc biệt là các nguồn điện chạy nền) cho miền bắc là hết sức cần thiết.
Đối với Dự án ĐZ 500kV Quảng Trạch-Phố Nối, Bộ Công thương thường xuyên liên tục chỉ đạo Cơ quan Thương vụ đại diện của Bộ Công thương tại các nước và đã có công điện để hỗ trợ thúc đẩy tiến độ cung cấp, vận chuyển thiết bị từ các nước nhập khẩu về Việt Nam phục vụ dự án.
Theo báo cáo của EVN, tình hình thực hiện các dự án đến ngày 22/5: về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: đến nay, tổng cộng 4 dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.177/1.177 (100%) vị trí móng cột và 478/513 (gần 93%) khoảng néo (KN), còn 35/513 KN chưa bàn giao. 2 tỉnh đã hoàn thành bàn giao hành lang tuyến là Quảng Bình và Ninh Bình. 7 tỉnh chưa hoàn thành bàn giao hành lang tuyến là: Hà Tĩnh (còn 9/113 KN), Nghệ An (còn 3/71 KN), Thanh Hóa (còn 1/137 KN), Nam Định (còn 7/54 KN), Thái Bình (còn 5/46 KN), Hải Dương (còn 1/28 KN) và Hưng Yên (còn 9/26 KN).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự cuộc họp. |
Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh đang tiến hành phê duyệt các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, vận động người dân bàn giao hành lang tuyến còn lại phù hợp với tiến độ thi công của các dự án. Công tác cung cấp vật tư thiết bị và thi công xây dựng: về công tác cung cấp cột thép, tổng cộng có 75 gói thầu cung cấp cột thép, do 18 nhà thầu liên danh nhà thầu thực hiện, gồm 1.177 vị trí cột, tương ứng gần 139.000 tấn thép. Đến nay đã bàn giao 667/1.177 vị trí cột, còn 510/1.177 vị trí cột chưa bàn giao. Đối với công tác cung cấp vật tư thiết bị: hiện nay EVNNPT và các Ban quản lý dự án đang quyết liệt đôn đốc các nhà thầu khẩn trương cung cấp, bàn giao vật tư thiết bị để triển khai thi công lắp đặt. Tuy nhiên, còn một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị (sứ, phụ kiện) được sản xuất, cấp hàng từ Trung Quốc chậm tiến độ, dự kiến đầu tháng 6/2024 mới bàn giao hàng hóa.
Đối với công tác thi công xây dựng: tổng hợp kết quả đạt được đến nay như sau: hoàn thành đúc móng 1.162/1.177 vị trí, đang thi công 15/1.177 vị trí; hoàn thành lắp dựng 398/1.177 vị trí cột, đang lắp dựng 222/1.177 vị trí cột. Hoàn thành kéo dây 10/513 khoảng néo, đang thực hiện kéo dây 7/513 khoảng néo.
Dự kiến kế hoạch triển khai thi công tiếp theo: theo báo cáo của EVN, dự kiến kế hoạch triển khai tiếp theo của các dự án như sau: Dự án ĐZ 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa: đúc móng: đã hoàn thành ngày 16/5; dựng cột: từ 7/2 đến 15/6; lắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây: từ 28/4/ đến 20/6; thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện: 20 đến 30/6/2024.
Dự án ĐZ 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối: đúc móng: từ 18/1 đến 23/5; dựng cột: từ 16/3 đến 15/6; Llắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây: từ 8/5 đến 20/6; công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện: 20-30/6.
Dự án ĐZ 500kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu: đúc móng: từ 18/1 đến 23/5; dựng cột: từ 8/3 đến 15/6; lắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây: từ 11/5 đến 20/06/2024; thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện: 20 đến 30/6.
Dự án ĐZ 500kV Quỳnh Lưu-Thanh Hóa: đúc móng: từ 18/1 đến 23/5; dựng cột: từ 28/3 đến 15/6; lắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây: từ 15/5 đến 20/6; thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện: 20-30/6.
Một số khó khăn và vướng mắc: khó khăn về nhân lực thi công dựng cột, kéo dây: khối lượng công việc dựng cột và kéo dây là rất lớn, trong khi thời gian thi công còn lại ngắn. Các công việc này đòi hỏi nhân lực thi công phải có năng lực, kinh nghiệm, dẫn đến khó khăn trong công tác huy động nhân lực. Dự kiến vào thời gian cao điểm sẽ cần 8.000-10.000 người tham gia thực hiện dựng cột và kéo dây.
Khó khăn về cung cấp vật tư thiết bị: một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị (sứ, phụ kiện) được sản xuất, cấp hàng từ Trung Quốc chậm tiến độ, dự kiến đầu tháng 6/2024 mới bàn giao hàng hóa.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Nguyễn Tuấn Tùng phát biểu. |
Khó khăn về thời tiết: Do mặt bằng tuyến đường dây trải dài trên 9 tỉnh, có đoạn nằm trên vùng núi cao hiểm trở, từ đầu tháng 5 đã xuất hiện mưa giông, sấm chớp gây trơn trượt ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt đối với công việc ở trên cao như dựng cột, lắp đặt dây dẫn và phụ kiện…
Phát biểu ý kiến kết luận về tiến độ thi công dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), các bộ, ngành liên quan; cảm ơn lãnh đạo 9 tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, thể hiện trách nhiệm; nêu rõ, đây là công việc quan trọng, đòi hỏi huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vừa là nguồn động viên, trách nhiệm, tinh thần chỉ đạo sát sao, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
Các ý kiến tại cuộc họp đi thẳng vào vấn đề, đúng và trúng, dự báo tình hình; đánh giá cao sự nỗ lực của tất cả các chủ thể liên quan; chúng ta cần đánh giá, rút bài học kinh nghiệm, đưa ra ra giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành, cá nhân, tập thể, các cấp chính quyền địa phương, từ đó đồng loạt vào cuộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế, phục hồi kinh tế trong quý I và tháng 4, tháng 5 có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề , các địa phương có chuyển biến tích cực, đi đôi với đó về nhu cầu nguyên nhiên liệu, vật liệu trong đó có điện năng. Chúng ta dự báo cả năm sản lượng điện tăng chỉ 9%, nhưng mấy tháng vừa qua tăng 13%, có lúc cao điểm miền bắc tăng 17% so cùng kỳ, đó là dự báo chưa sát tình hình, thấp hơn diễn biến thực tế, cần rút kinh nghiệm và làm tốt hơn thời gian tới. Việc cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cần nỗ lực hơn nữa đặc biệt là tháng 6 và 7, nhất là tháng 6.
Về tháng 5, cơ bản đang đáp ứng tốt nhu cầu. Thủ tướng đề nghị phải thông báo lại thông tin không chính xác về nhu cầu điện, phải thông tin lại về khả năng đáp ứng điện để doanh nghiệp, người dân yên tâm. Thủ tướng nêu rõ, tháng 6 là mùa cao điểm, do đó ĐZ 500kV này hoàn thành trước tháng 6 thì sẽ đáp ứng tốt, nhưng dự kiến đến 30/6 mới hoàn thành. Nếu tháng 6 hoàn thành Đường dây 500kV này thì tháng 7 sẽ bớt áp lực.
Thủ tướng nêu rõ, kết quả đạt được của thi công Đường dây 500kV mạch 3 này là rất đáng ghi nhận; hoàn thành tốt giải phóng mặt bằng, xây dựng móng, cột, kéo dây. Nguyên nhân làm tốt có sự vào cuộc tích cực của các Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp từ huyện đến xã; sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân đã nhường nơi ở, sản xuất, đất canh tác cho dự án. Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của EVN, EVNNPT vào cuộc tích cực, lãnh đạo đã luôn ra công trường đôn đốc, rà soát tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời phải điều hành để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân; biểu dương sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan; hoan nghênh tinh thần lĩnh vực của 8-10 nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc trên công trường với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Cuộc họp diễn ra tại Văn phòng Chính phủ và trực tuyến đến 6 tỉnh, thành phố. |
Thủ tướng nêu rõ, qua đây, chúng ta có thêm kinh nghiệm: đó là nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ, diễn biến tình hình, trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp để thúc đẩy nhiệm vụ được giao, kịp thời phản ứng chính sách, giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ, xử lý các vướng mắc. Phải làm việc khoa học, thiết kế, hoàn thiện các hồ sơ chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, từ đó thực hiện khoa học, bài bản, lớp lang theo quy định, trình tự, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Nắm chắc tình hình, huy động nguồn lực cả về con người, vật chất và tài chính đáp ứng yêu cầu từng thời điểm. Phải dựa vào nhân dân vì sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; nhân dân có ủng hộ, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ thì mới có mặt bằng để thi công. Làm tốt công tác tuyên truyền, đề cao các giá trị tích cực, những điển hình tiên tiến, cách làm hay, làm tốt, hiệu quả; phát động các phong trào thi đua để hoàn thành các nhiệm vụ được giao phù hợp, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả.
Đề cập các nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nêu rõ tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, đó là công tác dựng cột, muốn vậy phải có cột và thi công: do đó phải tập trung chỉ đạo việc sản xuất cột, bảo đảm đủ số lượng, phải kiểm tra lại các nhà thầu sản xuất cột. Về kéo dây, đặc biệt là các khoảng néo, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, mỗi tỉnh còn từ 3-9 khoảng néo phải tích cực. Đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu, EVN chịu trách nhiệm rà soát lại khâu này, làm việc với các đối tác phù hợp yêu cầu, tiến độ đề ra. Về nhân lực, tổng số nhân lực thi công cần 8-10 nghìn người, cần tính toán, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như PVN, Viettel, VNPT… - những tập đoàn có kinh nghiệm về kéo dây.
Về công tác thông quan, cần thống kê hàng hóa về qua đường nào, thời gian nào về, bàn với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, cần nỗ lực và cố gắng hơn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu EVN rà soát, xây dựng lại đường găng tiến độ đến 20/6 phải hoàn thành công tác kéo dây để còn tiến hành thí nghiệm, đóng điện, nghiệm thu. Kiểm soát theo ngày, theo tuần và thời gian còn lại rất ngắn thì mới có thể khánh thành công trình ngày 30/6/2024. Các bộ, cơ quan, nhất là chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, người lao động cần nỗ lực cao hơn nữa, vượt mọi khó khăn, thách thức, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Phải đặc biệt tiến độ nhưng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường vì thi công trong các điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa, sạt lở; làm cả ở đồng bằng, miền núi, trung du, sườn đồi, vách đá… Các cơ quan, chủ thể liên quan phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và thông báo các yêu cầu cho nhau để làm.
Quang cảnh cuộc họp. |
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với EVN khẩn trương thẩm định hoàn thiện khung chính sách bồi thường, cố gắng tuần này ban hành. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan quản lý sớm hoàn tất các thỏa thuận biện pháp thi công các vị trí giao chéo đường dây với đường bộ, đường sắt. Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với EVN xem hàng hóa về cảng nào thì Bộ có các biện pháp làm việc với các đối tác nước ngoài, nhất là cơ quan hải quan. Bộ Công thương chỉ đạo các đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mà EVN nhập khẩu vật tư thiết bị để giải quyết công việc; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình dự án. Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Viettel VNPT, PVN … có chức năng, kinh nghiệm, kéo dây thì chi viện ngay nhân lực cho EVN. Bộ Tài chính có Công điện gửi Hải quan các cửa khẩu, bến cảng để tạo thuận lợi thủ tục nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công thương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các công việc mà Thủ tướng đã giao; đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư cấp ủy các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công trình này; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh phải bảo đảm các công việc theo thẩm quyền, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là EVN, EVNNPT tại địa phương; bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người dân tại địa bàn có đường dây đi qua, cần gặp gỡ, đối thoại với người dân; bảo đảm mặt bằng thi công kéo dây với tinh thần “còn 1 hộ cũng phải đến vận động”; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng địa phương phối hợp chặt chẽ với EVN huy động nguồn lực. Các đơn vị phải vào cuộc.
EVN, các tập đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đơn vị điện lực địa phương giải quyết ngay các khó khăn bảo đảm đồng bộ, có biện pháp giải quyết tốt vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng người dân chung quanh; giải quyết các thủ tục thanh quyết toán kịp thời; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, nhất là nhà thầu cung cấp cột thép, tập trung cao độ triển khai với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, trên công trường "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", bảo đảm giữ gìn sức khỏe, quyền lợi của người lao động.
Các tập đoàn PVN, VNPT, Viettel phải vào cuộc tích cực; EVN phải chủ động nêu yêu cầu với các tập đoàn này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng phải chỉ đạo các đơn vị này, hỗ trợ tối đa nhân lực, thiết bị. EVNNPT chuẩn bị nghiệm thu, đóng điện bảo đảm an toàn… quyết tâm hoàn thành đóng điện vào ngày 30/6 tới.
TIN: THANH GIANG; ẢNH TRẦN HẢI