Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước.
Cơ chế, giải pháp bám sát mục tiêu lớn
Với thế mạnh và tiềm năng sẵn có, Lạng Sơn đã và đang trở thành nơi giao thoa, hội tụ văn hóa và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá về một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển; cũng như các hoạt động nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng về văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương và của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Văn Nghiệm trao đổi: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 31/8/2016 về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã có chương trình, giải pháp nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, địa phương.
Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 335 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, 23 di tích danh lam thắng cảnh.
Gắn liền với đó, việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tiếp tục được bảo lưu, trao truyền. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 lễ hội được tổ chức thường xuyên với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.
Hiện nay, với sự lãnh đạo, đầu tư của tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trang thiết bị được đầu tư đã phát huy vai trò, chức năng, phục vụ có hiệu quả việc tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng.
Lạng Sơn cũng đang tập trung thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Tỉnh tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ chế quản lý, quan tâm tổ chức sắp xếp hợp lý bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp văn hóa theo hướng tinh gọn, mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp với số lượng phù hợp, cơ cấu hợp lý.
Tỉnh ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật,... Đời sống văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh trong năm qua tiếp tục phát triển. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực tập hợp hội viên, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ.
Với chủ trương của tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoàng Quốc Tuấn cho biết: Tỉnh có 670 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trường chuyên nghiệp, đến nay toàn bộ các trường học đều thực hiện đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy; thành lập các câu lạc bộ để tuyên truyền, lưu giữ và bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa.
Về vấn đề này, tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Hiệu trưởng Vương Xuân Thuận trao đổi: Ngoài dạy học chính khóa, nhà trường còn lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương vào các tiết sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, các hoạt động ngoại khóa.
Phát huy các giá trị, tạo sức lan tỏa
Thực tế cho thấy, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Lạng Sơn ngày càng đi vào chiều sâu đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phúc Hà cho biết: Cùng với các hoạt động lễ hội, Lạng Sơn còn tổ chức nhiều sự kiện lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh với quy mô phù hợp, nội dung và hình thức phong phú. Các loại hình nghệ thuật truyền thống (then, sli, lượn, múa sư tử,...) được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các lễ hội, các hội thi, hội diễn, các hội nghị, chợ phiên, nhất là các ngày hội lớn như tuần văn hóa-du lịch, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh.
Các hoạt động được tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm đúng quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, được nhân dân tích cực hưởng ứng và đồng tình ủng hộ. Các lễ hội, sự kiện luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh trao đổi: Nhằm phát huy sức mạnh mềm, tỉnh đã và đang triển khai các mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển.
Các hoạt động này đã phát huy giá trị, góp phần tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước, tạo ra không gian văn hóa lành mạnh. Trên thực tế còn tạo đòn bẩy cho các hoạt động khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trung tuần tháng 4 này, cùng với ngày hội văn hóa đọc được tổ chức tại các địa phương, Tỉnh cũng tổ chức “Hội chợ thương mại” tại thành phố Lạng Sơn, với hàng trăm gian hàng quảng bá, giới thiệu nhiều sản phẩm, hàng hóa đặc sắc.
Đây cũng là hoạt động nằm trong chương trình của tỉnh nỗ lực từng bước định hình, xây dựng thương hiệu đặc trưng, nguồn tài nguyên nhân văn, sản phẩm văn hóa-du lịch tiêu biểu, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đẩy mạnh giao lưu, đối ngoại.
Với những kết quả đạt được, sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của tỉnh đã thực sự góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự cường dân tộc là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đối chiếu với yêu cầu phát triển, cho thấy ở tỉnh việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Một số cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật còn bộc lộ những bất cập. Công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc, việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tuy đã được quan tâm nhưng chưa thường xuyên và hiệu quả…
Hiện nay tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, tập trung là: Tăng cường chỉ đạo, định hướng các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn việc đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi sâu vào đời sống.
Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, bảo đảm tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh…
Hướng mạnh vào mục tiêu bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu thông tin, giải trí và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh-chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.